Những giáo tài thuộc về trước đời nhà Hồ đã bị tiêu hủy, nên không có gì
làm bằng cớ ; nhưng có ai lại dám quả quyết rằng lúc ấy, ở xứ ta không có
nhà tăng nào mà Phật học uyên thâm, phạn ngữ uẩn súc và đã trước tác ít
nhiều bằng tiếng phạn ? Và nếu có như thế, thì những người làm « văn học
sử » sao lại không sưu tầm những tác phẩm bằng tiếng phạn của những
người Việt mà ghép thêm vào ? Lại lịch sử đã nhắc rằng, khi nhà Trần lên
ngôi, họ nhà Lý nhiều người không phục, trốn sang nước Triều Tiên và về
sau, trong dòng dõi họ, có lắm người lập nên công nghiệp hiển hách ở xứ
ấy. Thì sao chẳng sưu tầm những tác phẩm bằng tiếng Triều Tiên mà góp
vào ? Còn như khi quân Minh kéo sang diệt nhà Hồ, thì vua nhà Minh có
ra lịnh thu thập tất cả sách vở và bắt cả nhân tài về nước. Trong bọn « tù
binh » nầy, hay con cháu họ, há chẳng có kẻ viết được sách hay ? Cũng
thời là chữ Hán, sao không nhặt mà nghiên cứu một thể ? Hơn nữa, gần
đây, kể ra cũng chẳng thiếu chi những người Việt Nam trước tác bằng tiếng
Pháp, và khởi đầu sáng tác bằng tiếng Anh. Nếu hiểu rằng « Việt Nam văn
học sử » cần phải trình bày tất cả tác phẩm của người Việt, chẳng luận viết
bằng tiếng gì, thì sao lại loại những tác phẩm tiếng phạn, tiếng Pháp, tiếng
Anh… ra ngoài ?
Cho hay, văn chương của một dân tộc tất phải biểu diễn bằng tiếng
nói của dân tộc ấy. Mà tiếng Việt không phải là một phương ngữ của tiếng
Tàu – điều mà chúng ta sẽ thấy rõ trong tập mở mào của sách nầy, – nên
chúng tôi phải loại những tác phẩm viết bằng ngoại ngữ ra ngoài đối
tượng, và dành để đó cho những ai nghiên cứu lịch sử tư tưởng của Việt
Nam. Chúng tôi cũng ước mong rằng sau nầy các « chương trình » sẽ chọn
một quan điểm giống như vậy. Vì làm như thế, chỉ là chữa một cái lầm mà
thôi.
Những người không còn bận chi về thi cử cũng có lợi mà đọc bộ sách
nầy, vì nó chẳng những trình bày cái quá khứ trong văn chương, lại còn
lắm nơi nêu giả thuyết, đặt vấn đề cho mọi người cùng xét. Ở xứ người, một
học phái, một tác giả, một tác phẩm, lắm khi một tiểu tiết trong một tác
phẩm, đã làm đề cho những luận án hẳn hoi, và mỗi luận án nầy lắm khi là