Bài soạn của ông rất được hoan nghênh; ông gom lại một số, in thành cuốn
The Story of Philosophy (Lịch sử Triết học) bán rất chạy, chỉ trong ba năm,
nội các nước nói tiếng Anh đã tiêu thụ được hai triệu cuốn, rồi sau được
dịch ra tiếng Pháp, Ý, Đức, Nhật, Trung Hoa, Y Pha Nho, Bồ Đào Nha, Ba
Lan, Đan Mạch, Do Thái… Ở nước ta, nghe nói có người cũng đương dịch
. Thấy thành công, ông quyết tâm chuyên sống bằng cây viết.
Từ năm 1915, sau khi đọc cuốn Introduction to the History of Civilisation
mà sử gia Anh Buckle viết chưa xong thì chết, ông đã có hoài bảo tiếp tục
công việc đó, nên vừa soạn luận án tiến sĩ ở Đại học Columbia vừa kiếm tài
liệu cho bộ Lịch sử Văn minh của ông.
Mười bốn năn sau, năm 1929, ông và bà (nhũ danh là Ariel, một cựu học
sinh của ông) mới đem hết tâm trí ra thực hiện hoài bảo chung.
Mục đích của ông bà là tìm hiểu xem tài năng và sức lao động của con
người đã giúp cho văn hoá của nhân loại được những gì, óc phát minh nảy
nở và tiến bộ ra sao, đạt được những kết quả nào trong mọi khu vực: chính
trị, kinh tế, tôn giáo, luân lí, văn học, khoa học, triết học, nghệ thuật; tóm
lại vạch rõ những bước tiến của văn minh nhân loại.
Ông cho rằng từ trước các sử gia phương Tây rất ít chú trọng đến văn minh
phương Đông, đó là một khuyết điểm lớn:
“Chúng ta sẽ ngạc nhiên nếu được biết tất cả các món nợ tinh thần của
chúng ta đối với Ai Cập và phương Đông; nợ về các phát minh hữu ích
cũng như về tổ chức chính trị, kinh tế, về khoa học, văn chương, triết học,
tôn giáo. Hiện nay châu Á tràn trề một sinh lực mới, càng ngày càng mau
đuổi kịp châu Âu và chúng ta có thể đoán trước rằng vấn đề quan trọng
của thế kỷ XX sẽ là sự xung đột giữa Đông và Tây; vậy thì viết sử mà hẹp
hòi, theo truyền thống cũ, bắt đầu bằng sử Hy Lạp, chỉ chép vài hàng về sử
châu Á (…) thì là thiển cận, thiếu hiểu biết, hậu quả có thể tai hại. Tương