của Leibniz chẳng phải chỉ mới xuất hiện gần đây.
3. TRIẾT HỆ SANKHYA
Một triết hệ rất nổi danh – Phần siêu hình học – Sự tiến hoá của triết hệ đó
– Vô thần luận – Duy tâm luận – Tinh thần – Thể chất, trí năng và linh hồn
– Mục đích của triết học - Ảnh hưởng của Sankhya.
Một sử gia Ấn Độ bảo triết hệ Sankhya là “triết hệ độc đáo nhất của Ấn
Độ”. Giáo sư Garbe đã bỏ ra già đời người để nghiên cứu triết hệ đó, bảo
rằng : “lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, học thuyết của Kapila đã vạch
rõ sự tự do, hoàn toàn độc lập của tinh thần con người và lòng tự tín của
con người ở năng-thế của chính mình”. Triết hệ đó cổ nhất trong sáu triết
hệ Ấn Độ và có lẽ cũng cổ nhất trong mọi triết hệ của nhân loại
. Về
đích thân Kapila, chúng ta không biết gì hết, mặc dầu trong truyền thuyết
Ấn Độ, vốn coi thường niên đại, cho rằng ông đã lập ra triết hệ Sankhya
vào thế kỉ thứ VI trước Công nguyên.
Kapila vừa thực tế vừa có tinh thần kinh viện. Trong cách ngôn đầu tiên
của ông, ông tuyên bố ngay rằng: “Mục đích tối hậu của con người là…
diệt đau khổ”, y như giọng một y sĩ vậy. Để diệt đau khổ thì theo ông, mọi
phương tiện thuộc về vật thể đều không thích hợp; ông lí luận rất tài, lần
lượt bác hết các ý kiến mọi người đưa ra về vấn đề đó; sau phần đả phá đó
tới phần xây dựng, gồm một loạt sutra tối tăm, gần như không sao hiểu nổi,
vì diễn về siêu hình học mà lại cô đọng quá. Triết hệ của ông có tên là
Sankhya (số luận) – nghĩa gốc là liệt kê – vì Kapila đã liệt kê hai mươi lăm
thực thể (tattwa: tát đoả) mà ông cho là thành phần của vũ trụ. Sự liệt kê đó
theo một thứ tự rất rắc rối, chúng tôi sắp đặt lại như sau, hy vọng rằng độc
giả sẽ dễ nhận ra hơn.