vũ trụ sẽ không còn. Các người đi trước ông trong phái Nyaya có lẽ là
những người chủ trương vô thần; còn những người kế tiếp ông sẽ là những
nhà theo tri thức luận.
Gautama đã cho Ấn Độ một bộ “luận lí toàn thư”
để tìm tòi và suy tư và
một số từ ngữ triết phong phú.
2. TRIẾT HỆ VAISHESHIKA
Démocrite ở Ấn
Gautama là Aristote của Ấn Độ mà Kanada là Démocrite của Hi lạp. Vì tên
ông kì cục, có nghĩa là “người ăn nguyên tử” nên có người ngờ rằng ông
chỉ là một nhân vật hoang đường do các sử gia tưởng tượng. Dù sao thì cái
thời đại triết hệ Vaisheshika xuất hiện cũng không được chính xác: người ta
bảo có thể là từ 300 trước Công nguyên tới 800 sau Công nguyên. Tên của
triết hệ đó do từ ngữ vishesha có nghĩa là đặc chất (hay đặc thù:
particularité): theo Kanada thì vũ trụ gồm vô số vật khác nhau nhưng vật
nào cũng chỉ là những tổ hợp nguyên tử cả. Chỉ hình thức là thay đổi, còn
các nguyên tử là bất diệt. Ông giống Démocrite tới nỗi bảo rằng ngoài “các
nguyên tử và cái chân không ra” không có gì hết ráo; mà các nguyên tử vận
hành chẳng do ý chí của một đấng thần linh nào cả, chỉ do một năng lực vô
hình – gọi là Adrishta (vô kiến). Trò đời vẫn vậy, cha cấp tiến thì con lại
bảo thủ chẳng ai bằng, cho nên những môn đệ cuối cùng của phái
Vaisheshika (thắng luận) không thể giảng được tại sao một năng lực mù
quáng lại làm cho vũ trụ hỗn độn hoá ra có trật tự, hoá ra nhất thể được,
bèn tưởng tượng rằng song song với thế giới nguyên tử tất phải có một thế
giới gồm những linh hồn nhỏ li ti, và có một Thượng Đế toàn minh chỉ huy
cả hai thế giới đó. Vậy là thuyết “hoà điệu tiền định” (harmonie préetablie)