thánh ca tán tụng các vật mà người Ấn-Aryen thờ phụng, như mặt trăng,
mặt trời, vòm trời, tinh tú, gió mưa, đất, rạng đông, vân vân…
Hầu hết
là những bài cầu nguyện có một mục đích rõ rệt, chẳng những cầu nguyện
cho đàn bò sinh sôi nẩy nở, cho trúng mùa, sống lâu. Chỉ có một số ít bài có
giá trị văn chương, lời đẹp hoặc hùng hồn như trong bài thánh thi (psaume)
của Ki tô giáo. Vài bài có hồn thơ tự nhiên, bình dị làm cho ta nghĩ tới tình
cảm ngây thơ, ngạc nhiên của một em bé. Trong một thánh ca, tác giả ngạc
nhiên tại sao một con bò cái nâu mà sữa lại trắng, trong một bài khác, tác
giả tự hỏi tại sao mặt trời khi hạ xuống chân trời không rớt độp xuống mặt
đất… Đây là một bài điếu, giọng giống bài Thanatopsis khóc một người
chết trên chiến trường:
Tôi lấy cây cung mà anh ấy (người chết) còn nắm
Để chúng tôi được lây sức mạnh và vinh dự của anh.
Anh nằm đó, chúng tôi đứng đây, cùng là dòng giống anh dũng,
Chúng tôi đã thắng mọi tấn công của quân thù.
Anh nằm sâu vào lòng đất, đất là mẹ chúng ta,
Trải ra thăm thẳm, và che chở cho anh:
Như tấm nỉ mềm mại
Giữ cho anh khỏi thành hư vô.
Ôi đất, đất mở lòng ra, đừng đè nặng lên anh ấy.
Nên giúp đỡ anh ấy, cho anh ấy dễ dàng nằm vào lòng,
Bao lấy anh ấy như một tấm khăn liệm đi,
Như một người mẹ lấy chiếc áo quấn lấy đứa con vậy.
Một bài thơ khác trong Rig-Veda là một đối thoại rất tự nhiên giữa hai anh
em đầu tiên của nhân loại, Yama là anh, Yami là em gái. Mặc dầu tội loạn
luân bị trừng trị, Yumi cũng vẫn rán quyến rũ anh, lấy lẽ rằng nàng chỉ
muốn duy trì dòng giống mà thôi. Yama viện một luân lí cao hơn để chống
cự lại. Nàng dùng mọi phương tiện, sau cùng đuối lí, chế nhạo sự nhu
nhược của anh. Truyện còn truyền lại tới nay ngưng lại nửa chừng và chúng
ta chỉ có thể đoán được phần kết thúc thôi. Nhưng bài thơ hay nhất là bài