tinh nhã hơn mọi thứ tiếng khác” là ngôn ngữ (langage parlé), tiếng nói của
bọn xâm lăng Aryen.
Vậy thì bọn Aryen này dùng ngôn ngữ nào? Không thể biết chắc được,
nhưng có thể đoán rằng họ dùng một ngôn ngữ bà con với thổ ngữ cổ Ba
Tư, tức ngôn ngữ trong Thánh kinh Avesta
của Ba Tư. Tiếng sanscrit
trong các kinh Veda và các anh hùng ca đã có những dấu hiệu của một ngôn
ngữ cổ điển và văn chương, chỉ có các học giả và tu sĩ dùng tới, chính từ
ngữ sanscrit có nghĩ là “sửa soạn, trong sạch, hoàn toàn, thiêng liêng”.
Thời Veda, dân chúng không phải chỉ nói một thứ tiếng mà nói nhiều thứ
tiếng, mỗi bộ lạc có một thổ âm Aryen. Từ xưa tới giờ, Ấn Độ chưa bao giờ
có một ngôn ngữ thống nhất.
Không có đoạn nào trong các kinh Veda cho ta ngờ được rằng tác giả đã
biết chữ viết. Mãi tới thế kỉ thứ VIII hoặc thứ IX trước công nguyên, bọn
thương nhân Ấn, có lẽ là người Dravidien mới đem từ Tây Á về một thứ
chữ viết sémitique, tựa như chữ viết phénicien mà hồi đó người Ấn gọi là
“chữ của Brahma”, từ thứ chữ viết đó, sau này họ tạo ra tự mẫu Ấn. Trong
nhiều thế kỉ, cơ hồ họ chỉ dùng chữ viết trong thương mại và hành chánh,
không nghĩ cách dùng để sáng tác văn thơ. “Nhờ những thương nhân chứ
không phải nhờ các tu sĩ mà có văn học”. Người ta có thể ngờ rằng các tôn
qui của đạo Phật mãi tới thế kỉ thứ III trước công nguyên mới chép lại
thành văn. Những bi kí, bi minh cổ nhất của Ấn Độ mà chúng ta được biết
là của triều đại vua Açoka. Chúng ta từ mấy thế kỉ nay quen học bằng mắt,
bằng những tài liệu viết hoặc in rồi, chúng ta khó hiểu được tại sao Ấn Độ
đã có chữ viết từ lâu như vậy mà còn giữ hoài truyến thống cổ là truyền
khẩu rồi học thuộc lòng lịch sử và văn học của họ. Các kinh Veda và các
anh hùng ca đều là những bài thơ tràng thiên để nghe chứ không phải để
coi, truyền lại bằng miệng từ thế hệ trước tới thế hệ sau và cứ mỗi thế hệ lại
thêm thắt vào, càng ngày càng lớn lên, dài ra…
Chính người Ấn coi
thường chữ viết nên chúng ta thiếu tài liệu và biết rất ít về Ấn Độ thời
thượng cổ. Hầu hết tất cả những gì chúng ta biết về thời đó đều nhờ kinh