khi mới 14 tuổi. Hai năm sau, Asclepius hiện ra trong mộng của Nikon và báo cho ông này biết số phận
sẽ đưa con ông thành một thầy thuốc. Khi còn là một sinh viên ngành y tại đền thờ Asclepius danh tiếng
tại Pergamum, Galen đã soạn ra ít nhất ba quyển sách. Về sau, trong lời khuyên của ông dành cho sinh
viên và thầy giáo ngành y, Galen nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự nuôi dưỡng tình yêu sự thật cho
thế hệ trẻ, tình yêu này sẽ thúc giục họ miệt mài làm việc ngày đêm nhằm học tất cả những gì mà các bậc
tiền bối đã viết ra và tìm cách để chứng minh những kiến thức đó.
Sau khi cha mất, Galen rời Pergamum để tiếp tục học nghề y tại Smyrna, Corinth, và Alexandria. Khi
quay lại Pergamum sau những năm học tập và phiêu du, Galen được bổ nhiệm làm thầy thuốc chăm sóc
các võ sĩ giác đấu. Mặc dù cũng làm việc tại đền thờ Asclepius và có một phòng mạch tư phát đạt, nhưng
sau vài năm ông cảm thấy bồn chồn trở lại.
Năm 161, ông đi đến Rome nơi mà với vận may, các chẩn đoán xuất sắc và các kết quả điều trị thần kỳ
nên chẳng bao lâu ông lôi cuốn được nhiều bệnh nhân, người bảo trợ và người hâm mộ trong giới quyền
thế ở đây. Trong thời kỳ này, Galen đã tham gia giảng bài về giải phẫu học, trình giảng và tranh luận nơi
công cộng và soạn một số tài liệu quan trọng về giải phẫu học và sinh lý học. 5 năm sau, Galen trở về
Pergamum, cho rằng vì sự thù nghịch của các thầy thuốc khác khiến cho ông phải rời bỏ Rome. Những
người chống đối thì cho rằng việc ra đi đột ngột của Galen trùng hợp với sự bùng phát của một trận dịch
lan tới thành phố sau khi nhiều binh sĩ tham gia chiến trận tại Parthia trở về. Chẳng bao lâu sau đó, nể lời
mời của Hoàng đế Marcus Aurelius, Galen quay lại Rome và định cư vĩnh viễn tại đây. Nói cho đúng, dù
Galen không phải là “ngự y”, nhưng ông cũng kết bạn và tìm được sự bảo trợ của các vị Hoàng đế như
Marcus Aurelius, Commodus, Septimius Severus, và nhiều nhân vật tiếng tăm khác.
Cuối đời, bực mình vì thấy có nhiều kẻ chép sách cẩu thả, những kẻ mạo danh trơ trẽn và bọn đạo văn
làm sai lệch những gì mình viết, Galen soạn ra một tài liệu hướng dẫn người đọc nên cẩn thận gọi là
quyển Nói về sách của chính mình, trong đó kê ra các công trình thực sự của Galen cũng như một
chương trình mà người thầy thuốc cần phải đọc. Galen than phiền là cần phải có sách cho người nhập
môn, bởi vì nhiều sinh viên không có một nền học vấn cổ điển, tốt và phần lớn các “thầy thuốc” chỉ là
bọn trí thức rởm, chẳng đọc chút gì cả. Các tài liệu của Galen về y học, triết học và ngữ văn bàn luận hầu
như mọi khía cạnh của lý thuyết và thực hành y học của các thời kỳ Hy Lạp và La Mã, cũng như những
nghiên cứu chính ông về giải phẫu học, sinh lý học, dinh dưỡng và điều trị. Rủi thay, một trận hỏa hoạn
tại Đền Thái Bình năm 191 đã thiêu hủy phần lớn các bản thảo này. Tuy nhiên, phần còn sót lại cũng
chứa đầy khoảng 20 bộ bằng tiếng Hy Lạp. Một số công trình của ông được dịch ra tiếng Ả rập và tiếng
Latin thời Trung cổ.
Galen dạy rằng người thầy thuốc giỏi phải đồng thời là một triết gia. Vì thế, người thầy thuốc chân chính
phải thành thạo ba ngành của triết học: đó là luận lý học, ngành khoa học về cách suy nghĩ; vật lý, ngành
học về tự nhiên và; đạo đức học, ngành học về điều phải làm. Với những kiến thức như thế, người thầy
thuốc mới có được sự tuân phục của bệnh nhân và sự ngưỡng mộ dành cho một vị thần. Lý tưởng mà
nói, người thầy thuốc nên hành nghề y vì tình yêu nhân loại chứ không phải vì lợi nhuận, bởi vì mục đích
của khoa học và tiền bạc không thể đi đôi với nhau được. Trong các tác phẩm của mình, Galen tự cho
mình là một học giả nhận thức rằng không thể nào khám phá ra hết mọi thứ mà mình thiết tha muốn biết
mặc dù miệt mài tìm kiếm chân lý.