nhờ Celsus người ta có thể dựng lại khá nhiều khía cạnh về các hệ phái đã từng hưng thịnh vào thời đại
của ông.
Phái Học Thuyết nhấn mạnh đến việc nghiên cứu giải phẫu học và cho rằng Erasistratus, Herophilus, và
Hippocrates là tiền bối của họ. Cho rằng y học là tổng hợp của lý thuyết, thực hành và triết lý, phái Học
Thuyết dạy rằng người thầy thuốc phải nghiên cứu giải phẫu học và sinh lý học cũng như các nguyên
nhân gây bệnh hiển nhiên, trực tiếp và mù mờ. Các thành viên của các hệ phái khác có thể khác biệt nhau
về nhiều điểm, nhưng họ thường thống nhất là phái Học Thuyết có lỗi khi thiếu chú ý đến các lý thuyết
suy đoán và bỏ quên các mục đích thực tiễn của y học.
Nắm vững một quan điểm hạn hẹp hơn hoặc thực tiễn hơn về phạm vi của y học, phái Tiên Nghiệm tin
rằng cần phải hiểu rõ những nguyên nhân hiển nhiên hoặc trực tiếp, nhưng việc tìm hiểu các nguyên
nhân mơ hồ hoặc tận cùng là không cần thiết bởi vì, nói cho cùng, con người không thể nào hiểu được tự
nhiên. Trong y học, các thầy thuốc chỉ nên đi theo kinh nghiệm bởi vì nó trả lời được câu hỏi: bệnh nhân
có khỏi bệnh hay không? Một số người theo phái Tiên Nghiệm cho rằng việc nghiên cứu giải phẫu học là
hoàn toàn chẳng đem lại lợi ích gì để hiểu rõ cơ thể sống. Họ lấy làm kinh hãi đối với việc mổ sống con
người và cho rằng đó là tội ác giết người khi nhân danh nghệ thuật chữa bệnh. Tuy nhiên, tiếng tăm tuyệt
vời của các phẫu thuật viên phái Tiên Nghiệm chứng tỏ họ chú trọng đến hành động hơn lý luận.
Phái Phương Pháp tin rằng cơ thể con người bao gồm các nguyên tử và các lỗ hổng. Bệnh là do các trạng
thái bất thường của các lỗ hổng do quá căng thẳng hoặc quá chùng. Vì thế khi người thầy thuốc hiểu
được ba tình trạng thường gặp của cơ thể con người - co thắt, lỏng lẻo và phối hợp - thì sẽ nắm được
cách thức điều trị bệnh nhân. Cần có các phương thuốc thích hợp để làm giãn hoặc siết chặt các lỗ hổng.
Phái Phương Pháp cho rằng, vì lẽ hệ thống của họ đã quá đầy đủ, nên không cần phải nghiên cứu thêm
làm gì về nguyên nhân của bệnh cũng như cách trị liệu. Nhưng Juvenal, một nhà thơ trào phúng La Mã,
đã nói rằng các thầy thuốc phái Phương Pháp đã giết quá nhiều bệnh nhân đến nỗi không đếm được.
Celsus kết luận rằng không có hệ phái nào hoàn toàn đúng hay sai. Trong khi đi tìm sự thật một cách
không thiên vị, cần thiết phải thừa nhận rằng có một số thứ không nhất thiết phù hợp với thực hành y học
nhưng lại có giá trị để kích thích và mở mang đầu óc của người thầy thuốc. Khi xử lý các vấn đề với trâu
bò, ngựa, người nước ngoài và các hậu quả của thiên tai, đôi khi cần phải nhìn vào ngay những đặc trưng
đơn giản nhất của bệnh. Bình thường, một thầy thuốc bậc cao phải chú ý đến địa lý, khí hậu và những
phản ứng đơn nhất của nhiều bệnh nhân khác nhau.
Nếu xét cho đúng, nghệ thuật y học có thể chia ra làm ba phần: chữa được bằng chế độ ăn (mà trong ngữ
cảnh này có thể dịch sát hơn bằng chữ “phong cách sống”); chữa được bằng cách dùng thuốc; và chữa
được bằng phẫu thuật. Kinh nghiệm dạy cho thầy thuốc biết rằng các cách điều trị y học chuẩn không
phải lúc nào cũng cho kết quả giống nhau cho mọi bệnh nhân. Celsus kết luận, nghệ thuật làm thuốc là
phải có lý luận, và dựa trên các nguyên nhân trực tiếp, nhưng nói cho cùng y học là một nghệ thuật đòi
hỏi phải suy đoán nhiều dựa trên các thông tin khai thác được. Giải phẫu học là một phần quan trọng
trong kiến thức y học, nhưng Celsus cho rằng việc mổ trên người sống là tàn ác và không cần thiết. Các
sinh viên ngành y có thể học hỏi các vị trí và sự liên hệ của các nội tạng trên các xác chết, nhưng người
hành nghề y phải nhanh nhẹn chộp lấy kiến thức về giải phẫu học khi “thời khắc thuận lợi” hé ra vào lúc
điều trị các vết thương.