nhiều loại ung thư. Mặc dù ung thư xương nguyên phát có thể hiếm, nhưng ung thư từ nơi khác di căn
vào xương thì nhiều. Một số tình trạng bệnh lý tương đối ít gặp như viêm xương tủy và các u xương và
sụn lành tính, đã được các nhà cổ sinh bệnh học chú ý nhiều bởi vì dễ ghi nhận.
Suy dinh dưỡng dưới nhiều hình thức như còi xương, thiếu vitamin C và thiếu máu, có thể gây nên
những bất thường trong cấu trúc của xương (chứng dày xương do xốp xương = porotic hyperos tosis).
Chứng còi xương hiếm gặp vào thời đồ đá mới, nhưng càng ngày càng phổ biến khi nhiều đô thị ra đời.
Chứng nhuyễn xương (osteomalacia), một thể bệnh còi xương ở người lớn, có thể làm xẹp xương vùng
chậu, khiến cho mẹ và con có thể tử vong khi sinh nở. Sự hiện diện của các cục máu hóa vôi trên nhiều
bộ xương cũng phản ánh được sự thịnh hành của bệnh thiếu vitamin C trong một quần thể nào đó. Nếu
phơi nhiễm mạn tính hoặc nặng nề, thì một số yếu tố trong đất như arsenic, bismuth, chì, thủy ngân và
selenium có thể tạo ra các tác dụng độc hại được lưu giữ trong xương. Chứng dày xương do loãng xương
được tìm thấy trên xương sọ của người cổ đại là một tình trạng bệnh lý làm cho xương bị xốp đi, có
những lỗ hổng như chiếc sàng. Những thương tổn này có thể do suy dinh dưỡng hoặc bệnh truyền nhiễm
- thiếu máu do thiếu sắt hoặc các tiến trình viêm, chảy máu trong bệnh thiếu vitamin C, hoặc một số bệnh
khác (còi xương, bướu). Nhìn chung, khó mà tìm ra được nguyên nhân chính xác của những thương tổn
đó. Ngoài ra, các hư hoại sau khi chết cũng có thể tạo ra các tình trạng tương tự.
Mặc dù chứng sâu răng thường được coi là do hậu quả của chế độ ăn hiện đại, những công trình về người
nguyên thủy sống cùng thời kỳ và nghiên cứu trên các bộ xương người cổ đại đã loại bỏ giả định này.
Những vấn đề và bệnh của răng được tìm thấy trên hài cốt con người bao gồm sự mòn răng khi ăn, lệch
khớp hàm - thái dương, mảng bám, sâu răng, áp-xe răng, gãy chóp răng, mất răng và nhiều thứ khác. Từ
những năm 1980, bằng kính hiển vi điện tử quét và cách đo đạc những xây xát vi thể, người ta đã bắt đầu
phân tích những kiểu thức mòn răng cực nhỏ. Những hốc, vết trầy xước vi thể trên bề mặt của răng và sự
mài mòn bề mặt của răng cho ta biết những kiểu thức mài mòn khi ăn các thức ăn có các thành phần ăn
mòn. Mòn răng làm cho răng dễ bị nhiễm trùng và sau đó là rụng răng. Phụ nữ bị nhiều bệnh về răng hơn
so với nam giới, phần vì do có thai và cho con bú, phần vì sử dụng răng và xương hàm như một loại
công cụ.
Nói chung, qua tình trạng của răng và xương ta biết được lịch sử sức khỏe và bệnh tật, chế độ ăn và
những thiếu thốn dinh dưỡng, hồ sơ về các sang chấn nặng và khối lượng công việc phải làm khi còn
sống, và cuối cùng là tuổi ước chừng trước khi chết. Vết gãy ở xương cho ta biết lịch sử của một chấn
thương xảy ra sau một nhiễm trùng hoặc khi đang lành. Trước khi các sụn đầu xương đóng lại, thì xương
đang tăng trưởng dễ bị gãy khi gặp chấn thương, nhiễm trùng và các rối loạn do tăng trưởng. Các sang
chấn trầm trọng có thể làm cho xương của trẻ em không dài ra được, tạo thành những đường ngang,
thường gọi là đường Harris hoặc đường ngưng tăng trưởng, thấy được trên phim X quang những xương
dài. Nếu đường Harris cho ta biết những rối loạn tăng trưởng trầm trọng trong một thời gian ngắn, thì
một quần thể bị suy dinh dưỡng mạn tính lại cho ít các đường ngang hơn một cộng đồng khác chỉ bị đói
kém theo mùa hoặc theo chu kỳ. Đói kém, suy dinh dưỡng nặng và nhiễm trùng nặng cũng có thể để lại
những dấu hiệu đặc trưng trên răng, đó là những khuyết tật vi thể trên ngà răng như vệt bệnh lý Retzius,
thiểu sản ngà răng hoặc giải Wilson. Lấy ví dụ, những đợt tiêu chảy cấp ở trẻ còn bú có thể làm cho răng
và xương ngưng phát triển. Hình ảnh X quang điện tử quét cho ta thấy có nhiều chỗ đứt đoạn trên những
vệt đó, nhưng thực ra cũng còn có nhiều điểm chưa rõ về vệt bệnh lý Retzius.