Các đấng sáng lập các dòng tu có một quan điểm ôn hòa hơn về các nhu cầu của người bệnh, cho nên các
bệnh xá, bệnh viện được dựng lên bên cạnh các tu viện để làm từ thiện và chăm sóc người ốm. Trong số
các dòng tu, thì quy luật của dòng thánh Benedict (khoảng 480-547) cung cấp một số chỉ dẫn hợp lý về
việc chăm sóc người ốm. Mặc dù sinh hoạt thường ngày trong tu viện đòi hỏi phải làm việc cật lực,
nhưng cũng có những chế độ đặc biệt dành cho người ốm, người tàn tật và người già. Việc chăm sóc
người ốm là một nhiệm vụ quan trọng đến mức những người chăm sóc phải coi việc này như thể họ phục
vụ chính Chúa Trời vậy. Có các bằng chứng cho thấy các tu sĩ có chút ít kiến thức y học đã được lựa
chọn để chăm sóc người bệnh.
Vào thế kỷ 11, một số tu viện tự đào tạo lấy thầy thuốc. Lý tưởng mà nói, những thầy thuốc này sẽ là
người nắm giữ cái lý tưởng của người thầy thuốc theo như đạo Cơ Đốc chủ trương là ban phát lòng bác
ái và từ thiện cho mọi người, bất luận giàu nghèo, bệnh nặng hoặc nhẹ. Giữa lý tưởng và thực tế có
khoảng cách được chứng minh qua vô số những lời than phiền về sự mưu cầu “những thứ của cải bất
nhân” của các tu sĩ làm nghề y. Khi những vị thầy thuốc này được phép ra ngoài tu viện để hành nghề và
chăm sóc cho các bậc quý tộc giàu có, thì bắt đầu nổi lên những lời than phiền về cuộc sống xa hoa và
xao nhãng nề nếp tu viện.
Câu hỏi xem ra có vẻ đơn giản là liệu các tu sĩ thời Trung cổ có được phép hay bị cấm hành nghề chữa
bệnh và phẫu thuật đã là chủ đề của khá nhiều cuộc tranh luận. Chỉ có ai hết sức ngây thơ mới tin rằng
các tài liệu và ghi chép chính thức phản ánh đúng mực tình hình của các nội dung hành nghề bị cấm.
Quan điểm chính thức của Giáo hội được nêu rõ trong nhiều tuyên bố và lời phàn nàn về việc nghiên cứu
và thực hành y học và phẫu thuật của giới tu sĩ. Nhiều quyết định vào thế kỷ 12 của Giáo hoàng bày tỏ
mong muốn hạn chế không cho thầy tu làm nghề y. Các tuyên bố của Công đồng Clermont (1130), Công
đồng Rheims (1131) và Công đồng Lateran lần thứ hai (1139) tất cả đều có câu này: “Tu sĩ bình thường
không được phép nghiên cứu luật pháp và y học để nhằm kiếm chác lợi nhuận trần thế”. Nhận định này
đề cập cụ thể đến việc theo đuổi tiền bạc, chứ không phải việc nghiên cứu và thực hành y học hoặc luật
học. Đương nhiên, việc cần phải có nhiều cấm đoán công khai như thế cho thấy sự tuân thủ theo đúng
chủ trương đường lối khi hành nghề quả là quá khó khăn. Một huyền thoại khác về y học thời Trung cổ
cho rằng nhà thờ chống đối việc “làm đổ máu con người” cho nên ngăn cấm không cho làm phẫu thuật.
Sự ngăn cấm này là không đồng ý với việc làm đổ máu do chiến tranh và thù hận, chứ không phải vì
phẫu thuật nói chung, và chắc chắn không phải với việc trích huyết (trong điều trị). Ý kiến cho rằng vai
trò này có một ý nghĩa nào đó về mặt y học chỉ là một lừa bịp của thế kỷ 18. Trích huyết thực ra là một
thủ thuật khá thông thường trong điều trị và dự phòng. Khi thực hiện thủ thuật ngoại khoa quan trọng
này, người thầy thuốc phải chú ý đến các quy định phức tạp liên quan đến tình trạng của người bệnh đối
với vị trí cần lấy máu, cũng như mùa trong năm, tuần trăng, và thời điểm thuận lợi nhất trong ngày. Cũng
có một số hình ảnh minh họa đơn giản hướng dẫn những vị trí thường được chọn để lấy máu, nhưng
những hình ảnh này đều quá kiểu cách và khá sơ lược.
ĐÀO TẠO VÀ THỰC HÀNH Y HỌC
Những tiến trình dẫn đến sự hình thành của ngành y với tính cách là một nghề nghiệp dựa trên sự đào tạo
chính quy, giáo trình chuẩn hóa, bằng cấp và quy định luật pháp đã manh nha từ thời Trung cổ. Dĩ nhiên
là luật thì mỗi nơi mỗi khác, cũng như việc thực thi và cán cân quyền lực giữa cách chữa bệnh không
chính thức với nền y học được luật pháp công nhận. Các bộ luật có thể xác định bản chất của hợp đồng