LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 114

Các tác phẩm của một số nhà thần học như Isidore Giám mục thành Seville (khoảng 560-636), là một
bằng chứng cho thấy rõ sự quan tâm về các vấn đề y học. Isidore tin rằng có thể sử dụng các tài liệu
ngoại đạo để soạn các văn bản hữu ích mang tính bách khoa sao cho phù hợp với tín niệm và đạo đức Cơ
Đốc. Những nghiên cứu như thế ủng hộ ý kiến cho rằng y học bao trùm mọi ngành nghiên cứu tự do
khác. Y học là nghệ thuật bảo vệ, gìn giữ và duy trì sức khỏe của cơ thể thông qua chế độ ăn, vệ sinh,
việc chữa trị các vết thương và bệnh tật. Tuy nhiên, y học cũng là một thứ “triết học hạng nhì”, để chữa
trị phần xác, còn hạng nhất là để chữa trị phần hồn. Vì thế người thầy thuốc phải tinh thông văn học, ngữ
pháp, thuật hùng biện và biện chứng pháp để hiểu được và giải thích được các văn bản khó và nghiên
cứu nguyên nhân cũng như cách chữa trị các bệnh tật dưới ánh sáng của lý luận.

Nhiều bản thảo y học được viết dưới hình thức một cuộc đối thoại - dạng thường dùng trong cách dạy
học thời Trung cổ, nhưng y học là ngành cuối cùng và thường là nhỏ nhất, trong 4 ngành học truyền
thống của các đại học thời Trung cổ: thần học, triết học, luật, và y học. Các cuộc đối thoại thường bắt
đầu bằng một câu hỏi đơn giản như: “Y học là gì?” Người học phải thuộc nằm lòng các câu trả lời chuẩn
mực và cách giải thích văn bản của thầy dạy. Đến thế kỷ thứ 9, các học giả thời Trung cổ đưa ra quan
niệm rằng các nghiên cứu y học là một thành phần không thể thiếu của khối kiến thức Cơ Đốc. Nếu mọi
sự hiểu biết, trong đó có khoa học về sức khỏe, đều từ Chúa mà ra, thì các nhà tu hành không cần phải sợ
có sự xung đột giữa y văn và thần học. Kiến thức y học có thể được sử dụng như một món đồ trang sức
trí tuệ, một lĩnh vực nghiên cứu nghiêm túc, và là một kỹ thuật có khả năng mang lại nhiều hữu ích. Dĩ
nhiên, cũng có thể chấp nhận giá trị của các văn bản y học cổ điển trong khi vẫn nhấn mạnh rằng không
thể duy trì sức khỏe chỉ bằng thảo dược. Người bệnh và người chăm sóc phải tin vào Chúa, ngay cả khi
họ có ý định đi tìm phương thuốc thích hợp.

Bệnh viện được coi là sự cải tiến y học lớn nhất của thời Trung cổ, nhưng do bệnh viện ngày nay gắn kết
chặt chẽ với các tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục y khoa, và phẫu thuật, cho nên thuật ngữ
“bệnh viện” gợi lại những hình ảnh không phù hợp với các thời kỳ xa xưa. Chắc chắn rằng, các bệnh
viện thời Trung cổ đã đóng một vai trò xã hội quan trọng, nhưng mục đích chính là phục vụ tôn giáo chứ
không phải khoa học. Ngược lại, khuynh hướng xem thời kỳ này là “Đêm trường Trung cổ” đã tạo nên
một ấn tượng sai lầm là các bệnh viện thời Trung cổ giống như một nơi khủng khiếp, người bệnh đến đó
chỉ để chết mà thôi. Một số bệnh viện thời Trung cổ rõ ràng là nơi mang lại sự an ủi, nuôi dưỡng, và
chăm sóc y tế cũng như là cơ sở từ thiện.

Sự nhầm lẫn về các nguồn gốc cũng như sự phát triển của bệnh viện thời Trung cổ phản ánh những

nghịch lý và căng thẳng về thời kỳ phức tạp này. Nhiều bệnh viện thực ra không hơn gì mấy gian nhà
tranh, nhưng tại các thành phố lớn, những cơ sở tương đối lớn có nhiều hoạt động như trạm cứu thương,
nhà tế bần, nhà dưỡng lão và nơi nuôi dưỡng người bị bệnh phong. Dĩ nhiên, số lượng và tính chất của
các cơ sở từ thiện này đã thay đổi nhiều trong suốt thời Trung cổ. Trong thế kỷ thứ 14, một số bệnh viện
tìm cách cho xuất viện những người bệnh nghèo và thay vào đó là những khách hàng trả tiền, trong khi
đó một số khác thì trở nên quá tồi tệ đến mức bệnh nhân không chịu nổi đã nổi loạn và đập phá tan tành.

TU VIỆN VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Một trong những cải tiến chính của thời Trung cổ là sự hình thành chính thức nền giáo dục đại học về y
khoa trong các thế kỷ 12 và 13. Tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ trong đội ngũ thầy thuốc là được đào tạo

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.