trở thành thánh bổn mạng của đau răng và nha khoa. Những bức chân dung của thánh Lucy, liên quan
đến các bệnh về mắt, cho thấy thánh đang cầm một chiếc đĩa trong đó có đựng hai con mắt của mình bị
bọn tra tấn móc ra. Bệnh dịch là một chuyên ngành của thánh Sebastian, người bị các cung thủ của
Hoàng đế Diocletian bắn bị thương nhưng không chết. Thánh Sebastian hồi phục sau cuộc hành quyết
không thành cho thấy rằng ngài được miễn nhiễm đối với các mũi tên tử thần. Trên các bức chân dung
của vị thánh này, người ta vẽ các mũi tên cắm vào các vị trí nơi mà hạch sưng thường xuất hiện. Một mũi
tên vào ngay tim biểu trưng cho cái chết đột ngột vốn thường thấy ở nạn nhân bệnh dịch hạch. Vị thánh
về sau chết vì bị đánh bằng roi. Phụ nữ khi sinh đẻ thường gọi đến thánh Magaret, người đi vào thế giới
này qua miệng của một con rồng. Do được sinh ra thần kỳ như vậy, cho nên Magaret là thánh bảo hộ của
phụ nữ khi sinh nở.
Khi các thánh đạo Cơ Đốc thay cho các vị thần dân gian, thì các nghi lễ của Asclepius được thu nạp vào
cách hành lễ đạo Cơ Đốc. Các đền thờ được chuyển thành nhà thờ nơi mà việc thờ phụng đấng Christ
người chữa bệnh, hoặc các vị thánh của ngài, trở thành một khung cảnh quen thuộc cho các phép mầu y
học. Không như các đệ tử của Asclepius không cho các bệnh nan y bén mảng đến đền thờ, nhà thờ nhận
chăm sóc các trường hợp không còn khả năng chữa trị và hứa hẹn sự cứu rỗi ở thế giới bên khi nếu niềm
tin không giúp cho người bệnh khỏi bệnh ngay.
Các nhà thần học nói chung chỉ nhắc các thầy thuốc thế tục khi muốn chứng minh là các thánh tích và
cầu nguyện có tác dụng như thế nào sau khi y học trần tục không hiệu quả. Xét trên ý kiến thiên lệch của
các vị này, thì những câu chuyện như thế là bằng chứng cho thấy người bệnh thường tìm đến các thầy
thuốc thế tục. Các tài liệu thời Trung cổ có chép lại nhiều than phiền về thói yêu quý “các lợi lộc nhơ
nhớp” của thầy thuốc và chi phí cao trong chăm sóc y tế. Lấy ví dụ, John vùng Salisbury cho rằng các
thầy thuốc bao giờ cũng đi theo hai châm ngôn sau: “Không bao giờ để ý đến người nghèo; không bao
giờ từ chối tiền của người giàu”. Mặt khác, tiểu sử của các vị vua, giới quý tộc và giáo sĩ thời Trung cổ
cũng nhắc đến các thầy thuốc tận tụy được các vị chủ nhân tôn trọng và mến mộ.
Khi đưa ra chẩn đoán, người thầy thuốc thời Trung cổ chủ yếu dựa vào lời kể của bệnh nhân về các triệu
chứng, nhưng nhiều thầy lang được xem là bậc thầy trong nghệ thuật chẩn đoán qua việc quan sát nước
tiểu. Sử dụng một chiếc bình lớn chuyên dụng, thầy thuốc nghiên cứu màu sắc nước tiểu, sự phân bố các
vẩn đục, cặn lắng, và các hạt nhỏ nằm theo các nấc của chiếc bình nhằm xác định bản chất của bệnh và
tình trạng của bệnh nhân. Có một câu chuyện về Quận công xứ Bavaria cho thấy ngay từ thế kỷ thứ 10,
một số bệnh nhân cũng đã hoài nghi về cách chẩn đoán này. Để thử tài viên y sĩ, Quận công đánh tráo
nước tiểu của một phụ nữ có thai vào chỗ nước tiểu của chính mình. Sau khi xem xét, viên y sĩ trịnh
trọng tuyên bố rằng Chúa Trời sắp mang lại một sự kiện quan trọng: chẳng bao lâu nữa Quận công sẽ
sinh con.
Ảnh hưởng của Giáo hội trên tư tưởng y học chỉ là một khía cạnh qua đó Giáo hội đạt được vị trí độc
quyền trên mọi hình thức giáo dục trong suốt thời Trung cổ. Công việc dịch các tác phẩm y học từ tiếng
Hy Lạp sang Latin đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 5. Nói chung thì việc nghiên cứu các văn bản cổ và trích dẫn,
soạn thảo tài liệu tại các tu viện đã phản ánh sự quan tâm về luận lý và ngữ văn hơn là về khoa học, tuy
nhiên cũng có bằng chứng cho thấy các thủ bản y học đã được tham khảo để đem áp dụng vào thực tiễn.
Quả thật là những bình luận ghi bên lề các thủ bản cho ta biết là người xưa có chú ý đến y và dược học.