LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 119

xoi một lỗ trên tai trái con ngựa và vẽ một miếng bùa bằng chữ Latin trên phân nửa của con dao, người
thầy thuốc tuyên bố rằng con vật đã được chữa lành.

Nền y học Anh sau thời kỳ này một chút được trình bày qua công trình của John xứ Gaddesden (1280-
1361), ngự y của vua Edward II. Được nhớ tới đầu tiên là tác giả của bộ Hoa Hồng nước Anh, Sự Thực
Hành Y Học Từ Đầu Đến Chân
, John có lẽ là một khuôn mẫu cho Bác sĩ ngành Y (Doctor of Physic) của
Chaucer. Theo Chaucer, quyển Hoa Hồng nước Anh (Rosa Anglica) chắc hẳn là một phần của thư viện
của một thầy thuốc điển hình. John không chút ngượng ngùng tuyên bố rằng trước tác của mình được
xếp đặt rất hoàn chỉnh và đầy đủ chi tiết đến mức các phẫu thuật viên và thầy thuốc không cần phải sử
dụng đến sách khác. Có đủ các bài thuốc dành cho người giàu lẫn người nghèo. Lấy ví dụ, thầy thuốc có
thể kê đơn những thứ thuốc đắt tiền cho bệnh nhân giàu có bị chứng phù thũng mạn tính, nhưng với bệnh
nhân nghèo thì chỉ khuyên nên uống nước tiểu của chính mình mỗi buổi sáng.

Một trong những khuyến cáo nổi tiếng nhất trong bộ Hoa Hồng nước Anh là “liệu pháp đỏ” dành cho
bệnh đậu mùa, trong đó có việc bọc ủ quanh nạn nhân mắc bệnh này mọi thứ có màu đỏ nhằm đẩy nhanh
quá trình lành bệnh và không cho để lại sẹo. Ngoài việc đưa ra một vài lời khuyên có cơ sở về y học và
những nhận xét cấp tính về cơn bệnh, John còn bàn luận về các thứ bùa chú và nghi thức truyền thống,
chẳng hạn như mang vào cổ một cái đầu con chim cú để ngừa các cơn động kinh. Cách này đặc biệt hữu
dụng khi điều trị cho mấy đứa bé không muốn uống thuốc. Một phần ngắn bàn về ngoại khoa như các
phương pháp tháo dịch cho bệnh nhân bị phù thũng, nắn trật khớp và điều trị các vết thương. Một số
đoạn khuyên thầy thuốc nên chú ý nhiều đến việc điều trị những bệnh nào mà có thể mang lại nhiều lợi
lộc nhất.

Những đoạn văn dưới tiêu đề tiếng Latin về các chế độ vệ sinh (regimen sanitatis) được sử dụng như

là các hướng dẫn thực tiễn về sức khỏe và cách duy trì sức khỏe, nguyên thủy được viết ra dành cho
những người giàu có nhằm dạy cho họ biết những điều cơ bản về các quan niệm mà người thầy thuốc sử
dụng để biện giải cho các phương cách trị liệu của họ. Các cẩm nang sức khỏe này làm rõ cách thức bố
trí của y học theo ba thành phần theo quan niệm của Galen như sau: phần tự nhiên (như các chất dịch của
cơ thể và những thứ tương tự), những thứ đi ngược với tự nhiên (như bệnh tật và các triệu chứng); những
thứ không phải tự nhiên (những thứ gây ảnh hưởng đến cơ thể). Được hướng dẫn bởi người thầy thuốc,
một cá nhân sẽ chọn lấy một chế độ thích hợp, tức là, một kế hoạch chi tiết, để xử lý 6 cái không-tự-
nhiên (không khí và môi trường, vận động và nghỉ ngơi, đồ ăn và thức uống, ngủ và thức, bài tiết và bù
đắp, và những ảnh hưởng đến tâm thần). Khi người thầy thuốc viết những hướng dẫn cho đại chúng, họ
nhấn mạnh nhiều vào thuốc và những phương cách đơn giản để duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.

PHẪU THUẬT VÀO THỜI TRUNG CỔ

Một vấn đề nổi cộm vào thời Trung cổ là sự tách rời giữa phẫu thuật và nội khoa. Mặc dù con đỉa của
thời kỳ đầu thời Trung cổ được thầy thuốc và phẫu thuật viên đều sử dụng, nhưng phạm vi phẫu thuật
thường chỉ bó gọn vào các biện pháp cấp cứu, chẳng hạn như trích huyết để điều trị, giác hút, đốt mô và
các biện pháp cấp cứu đơn giản để đối phó với các tình huống thường gặp như bỏng, bầm, vết thương,
loét, bong gân, trật khớp, đau răng, và gãy xương. Một số ít thầy thuốc gan dạ hơn có các kỹ năng đặc
biệt như bóc đục thủy tinh thể, nhổ răng, và mổ lấy sỏi bàng quang.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.