Các thầy thuốc của y học hiện đại thấy rằng khó mà tin được vì sao tính vượt trội hiển nhiên của y học
khoa học lại không làm biến mất đi được tất cả các hệ thống chữa trị khác. Tuy thế các hệ thống y học cổ
truyền và thay thế vẫn tiếp tục phồn thịnh ở châu Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và vùng Trung
Đông. Ngược lại, y học cổ truyền lại chịu ảnh hưởng của lý thuyết và thực hành hiện đại. Thầy shaman
của ngày nay có thể vừa cho thuốc penicillin và đọc thần chú nhằm đối phó với cả vi trùng lẫn ma quỷ.
Cuối cùng, sự thành công của bất cứ hành động chữa trị nào cũng đều nhờ sự kết hợp của các yếu tố tâm
lý, thuốc và hóa sinh. Khi tỷ số tử vong của trẻ dưới một tuổi cao và tuổi thọ thấp, thì thầy lang khó gặp
nhiều trường hợp bị bệnh về chuyển hóa ở thanh niên hoặc những bệnh thoái biến ở người già. Bản thân
nhiều thầy thuốc nắm vững nghệ thuật chữa bệnh thừa nhận rằng nhiều bệnh không cần chữa cũng tự
lành. Vì vậy, nếu một nghi thức chữa bệnh kéo dài đủ thời gian cần thiết, thì người ta cho rằng thầy lang
đã chữa được những bệnh tự khỏi. Do giá trị của nhiều cách chữa trị còn mập mờ, cho nên sự khỏi bệnh
theo những cách chữa này thường được công nhận là do sự chiến thắng của bệnh nhân đối với bệnh và
thầy thuốc.
Vì có nhiều điểm chưa rõ trong việc đánh giá việc điều trị bệnh, cho nên các sử gia y học thường quay
sang cách phân tích các phẫu thuật xem đó như là một cách đo lường khách quan hơn cho các can thiệp
trị liệu. Nhưng ngay ở đây cũng có những khó khăn khác khi so sánh các thủ thuật được thực hiện trong
các tình huống khác nhau rất nhiều, do nhiều hạng người hạng nghề, với các mục đích và mục tiêu khác
nhau. Một khía cạnh ngạc nhiên của cái gọi là phẫu thuật sơ khai là trên thực tế có rất ít hoặc không hề
có những cuộc phẫu thuật chỉ vì lý do y học thuần túy tại một bộ lạc nào đó, mặc dù thầy shaman có thể
cầm dao mổ rất khéo và đầy nhiệt tình cho các mục đích nghi lễ, trang trí hoặc pháp lý. Lấy ví dụ, sự
rạch da nghi thức có thể biểu thị cho giai cấp, cho tuổi trưởng thành, hoặc là “dấu làm thuốc”, dấu này
được coi là đem lại tính miễn nhiễm với bệnh, độc dược, rắn cắn và các nguy hiểm khác. Sự bảo vệ này
có hữu hiệu hay không là điều còn bàn cãi, nhưng đã có nhiều báo cáo là các thầy lang châu Phi đã tẩm
vào các “vết cắt làm thuốc” một dung dịch gồm đầu rắn với trứng kiến. Khi các nhà khoa học thế kỷ 20
phát hiện cách giải độc các độc tố bằng formalin là chất hiện diện trong trứng kiến, thì nghi thức của
châu Phi đột nhiên dường như ít kỳ quặc hơn.
Mặc dù việc cắt chi vì các mục đích nghi thức hoặc trừng phạt không phải là ít gặp trong các xã hội cổ
xưa và còn ở trạng thái bộ lạc, việc đoạn chi vì chỉ định y học hiếm khi được quan tâm. Tuy vậy, một số
nhà phẫu thuật bản xứ châu Mỹ cắt đi các ngón tay bị cóng, và tại châu Phi, người Masai được ghi nhận
là cắt thành công những chi bị gãy. Một số dân tộc thời tiền sử thực hiện việc đoạn chi như một hình thức
trừng phạt hoặc đó chỉ là một phần của nghi thức chịu tang. Cắt xẻo cơ quan sinh dục thường là một
phần của nghi thức đánh dấu dậy thì. Cắt bao da quy đầu và âm vật là các thủ thuật thường gặp nhất,
nhưng một số bộ lạc còn thực hiện những thủ thuật cắt xẻo kỳ dị hơn nhiều.
Các thầy thuốc cổ truyền đã phát triển nhiều phương pháp khéo léo để đóng vết thương. Dĩ nhiên, việc
khâu lại, một kỹ năng có từ xa xưa, nhưng với cái thời chưa có các kỹ thuật sát trùng, việc đưa cây kim
hoặc sợi chỉ vào vết thương chắc hẳn sẽ dẫn tới nhiễm trùng nặng nề. Thành công đạt nhiều hơn khi
dùng phương pháp dùng xiên và chỉ, vốn trước đây thường được sử dụng để khâu con gà tây nhồi hương
liệu, để khâu vết thương. Một kỹ thuật đáng chú ý do các phẫu thuật gia tại châu Phi, Ấn Độ và Mỹ nghĩ
ra phụ thuộc vào việc sử dụng một loài kiến nào đó. Người ta đem áp con kiến thích hợp vào vết thương
và chọc cho chúng cắn. Khi gỡ phần thân con kiến ra, thì phần hàm của chúng còn dính lại sẽ đóng vai
trò những chiếc kẹp.