truyền máu. Những người ủng hộ ghép tạng thậm chí còn bỏ qua lý do chống đối rành rành là máu là một
thứ mô được tái sinh, còn tim thì không phải như thế. Tuy nhiên, khi các nhà phẫu thuật tuyên cáo một
thời đại mới trong đó sự ghép tạng sẽ trở nên thường xuyên chứ không còn là thực nghiệm, thì các nhà
tiên tri về y tế cảnh báo rằng trong một tương lai không xa, thiếu nguồn tiền chứ không phải thiếu tim
mới là yếu tố làm hạn chế tốc độ phát triển. Căn cứ vào con số quá nhiều người chết vì bệnh tim mạch,
một số nhà phân tích lập luận rằng chính dự phòng mới là nhu cầu cấp thiết nhất của chúng ta chứ không
phải là điều trị. Các liệu pháp liều lĩnh và đắt tiền được ví như điều trị bệnh liệt mềm ở trẻ con bằng cách
chế những máy thở nhân tạo tinh vi hơn thay vì phát triển các vaccine dự phòng. Rủi thay, dự phòng
thiếu cái vẻ hào nhoáng và nhộn nhịp của can thiệp bằng phẫu thuật.
SANTOR IO SANTORIO VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH LƯỢNG
Sự thành công của Harvey nhiều lúc được coi chỉ là do ông ta khéo léo sử dụng các phương pháp định
lượng trong khuôn khổ phương pháp thiên về cơ học. Nhưng như nghề nghiệp của Santorio Santorio
(Sanctorius, 1561-1636) cho thấy, sự trung thành với nền triết học cơ học và khả năng thực hiện những
thí nghiệm tốn nhiều công sức và tiến hành những đo đạc chính xác chưa chắc đưa ra được những câu trả
lời có ý nghĩa cho nhiều loại câu hỏi khác nhau. Nhiều nhà khoa học của thế kỷ 17 tiếp nhận ý tưởng mở
rộng kiến thức y khoa bằng phương pháp định lượng, nhưng không ai chuyển được mục tiêu này thành
hiện thực một cách tận tình như Santorio, là thầy thuốc và triết gia. Tại Ý, ông ta được vinh danh là
người lập ra môn sinh lý học định lượng thực nghiệm. Santorio đã xây dựng một cơ sở hành nghề tư
nhân thành công sau khi tốt nghiệp đại học Padua năm 1582. Năm 1611, ông được bổ nhiệm làm giáo sư
chủ nhiệm môn Y học lý thuyết tại trường đại học, nhưng đến năm 1624, học trò tố là ông xao nhãng
việc dạy dỗ khi thấy rằng ông chú tâm nhiều đến phòng mạch tư hơn là trách nhiệm dạy học. Mặc dù
được chứng minh vô tội, Santorio tự xin nghỉ việc ở đại học vào năm 1629 để quay về Venice.
Ngoài việc hành nghề y, Santorio dồn nhiều sức lực để nghiên cứu một hiện tượng gọi là sự đổ mồ hôi
không thấy được. Theo lý thuyết cổ điển, thì một hình thức hô hấp xảy ra xuyên qua da tạo nên sự bốc
hơi rất tinh tế gọi là sự đổ mồ hôi không thấy được. Santorio tin rằng ông có thể chuyển vấn đề đổ mồ
hôi không thấy được thành những tiến trình hoàn toàn cơ học mà ta có thể nghiên cứu được qua sự đo
lường chính xác. Để làm được như thế, ông ta sáng chế ra một cái cân đặc biệt, là một cái ghế treo treo
trên đòn cái cân dọc, qua đó ông đo lường trọng lượng cơ thể của chính mình sau khi ăn, uống, ngủ, nghỉ
ngơi, và vận động, lúc khỏe cũng như lúc đau, trên 30 năm như thế.
Santorio công bố các kết quả của mình dưới dạng những cách ngôn trong một quyền sách nhỏ tên là Ars
de statica medicina (Số liệu y học, 1614). Quyển sách này được xuất bản ít nhất 30 lần và được dịch ra
nhiều thứ tiếng, bản dịch tiếng Anh đầu tiên xuất hiện năm 1676. Mặc dù mỗi câu cách ngôn được trình
bày những nhận xét được diễn dịch từ sự đo đạc, Santorio không nói rõ lắm về các phương pháp thí
nghiệm của mình. Tuy thế, ông ta khoe là mình đã đạt được một cái gì đó mới và chưa hề có trong y học
- việc đo lường chính xác sự đổ mồ hôi không nhận thấy được qua các suy luận và thực nghiệm. Nghĩ
rằng những người khác có thể chia sẻ sự dâng hiến của ông dành cho một phong cách sống định lượng,
Santorio đề nghị người đọc có thể học lấy gương của mình và sống một cuộc đời “tuân theo luật lệ”. Lấy
ví dụ, khi ăn cơm, họ có thể ngồi trên một cái cân đặc biệt, cái cân này có thể đưa ra lời cảnh báo khi đã
tiêu thụ đúng số lượng thực phẩm cần thiết.