8
Sự Mỹ hóa nền y họ c của Cựu Thế Giới
Những câu chuyện do Columbus và các nhà thám hiểm đầu tiên kể lại về việc phát hiện ra Tân Thế Giới
đã làm thay đổi nghiêm trọng các tư tưởng của châu Âu về bản chất của thế giới và các dân tộc, cây cỏ
và động vật hiện hữu trên đó. Nhưng chỉ trong thời gian khá ngắn, người châu Âu đã tìm cách tiếp thu và
đưa các báo cáo về tình hình thám hiểm, chinh phục và định cư châu Mỹ vào cả hệ thống tín ngưỡng lâu
đời lẫn ý thức chung về quyền được thụ hưởng của họ. Được nghe các câu chuyện về châu Mỹ giống
như cảnh của một Vườn Địa đàng, những người đến các thuộc địa Bắc Mỹ của Anh ngay từ đầu thế kỷ
17 đều có các ý tưởng không thực tế về viễn cảnh tìm sự an lạc kinh tế và vật chất tại Tân Thế Giới.
Sau một chuyến đi muôn phần vất vả, ngay cả những ai không bị kiệt lực vì say sóng, thiếu ăn và bệnh
tật, họ đều đối diện với một thứ khí hậu thường xuyên khắc nghiệt, các loại thực phẩm lạ, đói kém và
khó khăn xây dựng những chốn định cư mới với các nguồn lực ít ỏi. Tỷ lệ tử vong cao của nhóm dân
định cư vào giai đoạn thuộc địa đầu tiên đã phản ánh những tác động của nhọc nhằn và bệnh tật. Không
tính tới những lời than phiền ở đâu cũng có về môi trường khắc nghiệt và lạ lẫm, kiểu bệnh tật xuất hiện
trong thời thuộc địa thay đổi tùy theo từng vùng. Dân định cư tại tất cả các thuộc địa của Anh đều báo
cáo mắc những bệnh hô hấp và dạ dày-ruột, sốt, bệnh trẻ em và các bệnh mạn tính thường gặp tại châu
Âu. Thời tiết khắc nghiệt được coi là nguyên nhân của nhiều bệnh ở miền bắc, còn ở miền nam là sốt rét,
giun móc và sốt vàng trở thành bệnh lưu hành. Những bệnh gây suy mòn cơ thể này, thường bị suy dinh
dưỡng làm nặng thêm, được coi là các dấu hiệu của sự tụt hậu và thấp kém của miền nam.
Tuy nhiên, không giống với những người Âu ra sức chinh phục và chiếm lấy châu Phi và tiểu lục địa Ấn
Độ làm thuộc địa, những người đến Tân Thế Giới lúc đầu bị sự đói khát chứ không phải những bệnh mới
quấy rầy. Dân định cư châu Âu đầu tiên gánh chịu nhiều nhọc nhằn, nhưng có nhiều khả năng là các vấn
đề chính của họ là do thiếu dinh dưỡng và thiếu thực phẩm. Nếu không muốn tìm sự chỉ bảo của thổ dân,
họ có thể không biết được là nhiều loại thực phẩm có sẵn trước mắt họ và các nguy cơ có thể gặp đối với
các loại cây cỏ và động vật có độc.
Bất luận những thiếu thốn và bệnh tật giáng xuống dân định cư đến từ châu Âu, sự tác động của sự nhập
cư đã gây ra nhiều hậu quả lớn lao hơn nhiều cho thổ dân châu Mỹ. Dân khai hoang người Anh nhận
thức rõ ràng tác động tàn phá mà những bệnh của châu Âu đã mang lại cho thổ dân vùng New England.
Một nhà quan sát sùng đạo đã viết: “Bàn tay của Chúa đã chiếu cố buổi khởi nghiệp của chúng ta khi
quét sạch đám thổ dân nhung nhúc bằng bệnh đậu mùa”. Dân lập nghiệp tại vùng New England và bọn
binh lính Anh bị tố cáo đã cố ý lây truyền bệnh đậu mùa cho người da đỏ thông qua hàng hóa trao đổi,
chẳng hạn như mền đắp bị vấy bẩn vi khuẩn, nhưng các cuộc tiếp xúc giữa thổ dân và các thủy thủ, ngư
phủ và nhà buôn châu Âu cũng đủ phát sinh các trận dịch khá lâu trước khi người châu Âu đến lập
nghiệp vĩnh viễn.
Ý tưởng cho rằng cơ thể con người vừa là một quan niệm văn hóa-xã hội cũng như là một thực thể đã
được giới học thuật quan tâm nhiều từ những năm cuối thập kỷ 1980. Các sử gia đã sử dụng cách tiếp
cận này để phân tích phong cách và các phương pháp mà đám dân lập nghiệp người Anh đi đến chỗ hiểu
được những dị biệt sinh lý học giữa chính họ và thổ dân châu Mỹ. Khi mà bệnh tật của Cựu Thế Giới đã