cập trong nhiều văn bản khác, nhưng ngay cả khi nguồn thực phẩm được cung cấp đầy đủ, thì chế độ ăn
hàng ngày cũng có phần đơn điệu và không cân bằng. Các mô tả về bệnh của mắt, liệt chi, bụng trướng,
và những bệnh gây “bốc mùi” đều phù hợp với các loại bệnh do thiếu vitamin. Sự kết hợp giữa thực
phẩm kém chất lượng và tình trạng bị nhiễm ký sinh trùng mạn tính đã làm cho tình trạng suy dinh
dưỡng nghiêm trọng hơn và làm cho trẻ chậm lớn.
Do bệnh tật được coi như là một sự trừng phạt của thần thánh khi người bệnh phạm lỗi, cho nên việc
chữa lành đòi hỏi phải có sự tẩy rửa tinh thần và thể xác khi kết hợp giữa sự sám hối và trừ tà bằng các
thứ thuốc xổ. Các đơn thuốc của nền văn minh Sumer sử dụng 250 loại thuốc thực vật và 120 khoáng
chất, cũng như các đồ uống có cồn, chất béo và dầu, các bộ phận và sản phẩm của động vật, mật, chất
sáp, và nhiều loại sữa được coi là có tính chữa bệnh. Các văn bản y học, cũng giống như đa số các thẻ
viết của nền văn minh Lưỡng Hà đều không có tác giả. Nhưng một số thẻ y học lại cung cấp những lời
khen ngợi hay xác nhận cá nhân nồng nhiệt cho một phương thuốc nào đó. Các đơn thuốc điều trị đều
cho biết là đã được trải nghiệm hoặc phát hiện do những người không thể nghi ngờ như các bậc trí giả và
chuyên gia. Một số bài thuốc được ca ngợi vì đã được truyền qua nhiều đời hoặc độc đáo. Một điểm
đáng chú ý là có một thẻ chữ hình nêm nhỏ chứa khoảng 10 bài thuốc do một thầy thuốc Sumer ghi lại
khoảng 4.000 năm trước đây. Dường như đây là thẻ sưu tập các đơn thuốc cổ xưa nhất bằng chữ viết.
Chỉ mới đến gần đây mới có sự chia tách các khía cạnh ma thuật và thực nghiệm của y học. Vì vậy,
không có gì là ngạc nhiên khi các bệnh nhân vùng Lưỡng Hà cho rằng phải thận trọng khi tấn công bệnh
tật bằng ma thuật lẫn y học. Người chữa bệnh vừa là giáo sĩ vừa là thầy thuốc sẽ làm tăng hiệu lực của
thuốc khi đọc những câu thần chú phù hợp. Mặc dù người chữa bệnh cần phải biết một số kiến thức về
giải phẫu học cũng như tri thức về thuốc, nhưng kiến thức chính xác về các nghi thức ma thuật lại càng
quan trọng hơn bởi vì những sai sót trong lĩnh vực này có thể làm các thần thánh trở nên lạnh nhạt.
Một loạt các thần thánh và ma quỷ được cho là nguyên nhân gây bệnh tật và rủi ro; mỗi con ma gây nên
một rối loạn cụ thể. Cũng giống như trong y học dân gian và y học thời sơ khai, các thầy thuốc vùng
Lưỡng Hà cũng thử đánh đuổi các con ma gây bệnh bằng cách cho bệnh nhân thử nhiều phương thuốc
độc hại. Bằng cách đốt lông chim để xông, và tống vào cơ thể bệnh nhân phân chó và mật heo để cho cơ
thể bệnh nhân không còn là nơi trú ngụ cho yêu ma nữa. Thầy phù thủy cũng còn tìm cách chuyển ma
quỷ sang một vật tế khác ví dụ như một con vật hoặc một hình nhân. Thỉnh thoảng thầy thuốc còn mời
các ma quỷ gây bệnh tham gia một cuộc đối thoại trực tiếp, như trong câu chuyện đối đáp giữa một giáo
sĩ và “con sâu răng” được ghi lại khoảng năm 2250 trước CN. Dù rằng bài thần chú mang tên “Con sâu
và chứng nhức răng” không hề giống như một thiên anh hùng ca, nhưng cuộc đối thoại này chứa rất
nhiều thông tin về các khái niệm vũ trụ quan và các thần thoại sáng thế.
Các văn bản về dược liệu vùng Lưỡng Hà cho thấy ở đây người ta đã thành thạo các kỹ thuật hóa học tỉ
mỉ để tinh chế các cây, con và các khoáng chất để làm thuốc. Cây cỏ rất quan trọng trong y học cổ đại
đến nỗi các thuật ngữ như “thuốc” và “cây thảo dược” gần như tương đương. Thuốc làm từ hạt, vỏ cây
và các phần khác của cây cỏ được hòa vào trong sữa hoặc bia, hoặc trộn với rượu, mật ong rồi cho bệnh
nhân uống, hoặc trộn với mỡ để dùng ngoài. Ngẫm ra thì cũng có lý khi cho rằng rượu cũng tác dụng
khử trùng khi thấm rượu vang vào băng gạc để đắp lên vết thương. Dù có màu đỏ hay trắng thì rượu
vang vẫn có tác dụng sát trùng tốt hơn cồn 10 độ, nhưng rượu vang đỏ dường như là thức uống được
chọn để chống lại nhiễm trùng.