Theo một thần thoại vùng Lưỡng Hà là Anh hùng ca Gilgamesh, thì con người đã đánh mất một thứ thảo
dược cứu mạng rất mạnh vào thời khai thiên lập địa bởi vì sự bất cẩn của Gilgamesh, là một ông vua anh
hùng rất thế lực với hai phần ba là thần và một phần ba là người (không rõ tỷ số này được tạo ra theo cơ
chế di truyền nào). Người hùng của thiên anh hùng ca cổ đại rõ ràng là được xây dựng trên những chiến
công của một vị vua thực sự đã từng cai trị Gilgamesh khoảng năm 2700 trước CN. Chừng 600 năm sau
khi vị vua này mất, các huyền thoại về Gilgamesh được thu thập lại dưới hình thức một trường ca sử thi.
Vì thế, anh hùng ca Gilgamesh cho ta biết về cuộc sống và những tín niệm của người dân đã từng sống
trên vùng giữa hai con sông Tigris và Euphrates vào khoảng thiên niên kỷ thứ hai và thứ ba trước CN.
Mặc dù có các tính chất của thần thánh, nhưng Gilgamesh biết rằng mình cũng giống như mọi con người,
đều không qua khỏi ải bệnh, tử. Khi bạn mình là Enkidu bị trọng bệnh, Gilgamesh thề rằng sẽ không bao
giờ từ bỏ hy vọng cứu bạn cho đến khi “có con sâu bò ra khỏi mũi” (một điềm quan trọng cho biết cái
chết sắp đến). Sau nhiều lần thử thách và khổ ải, và trải qua một chuyến đi đầy khiếp hãi vào địa ngục,
Gilgamesh học được bí quyết của cây thuốc cứu mạng (herb of life) và phải lặn xuống tận đáy sâu nơi
cây thuốc thần kỳ mọc. Trước khi lấy được cây thuốc chữa bệnh về Uruk, người anh hùng dừng lại để
nghỉ lấy sức. Trong khi Gilgamesh ngủ, thì có một con rắn kỳ bí trườn ra khỏi chỗ trú và ăn mất cây
thuốc cứu mạng. Nhờ vậy, con rắn lột da và hoàn đồng ngay lập tức trong khi Gilgamesh mãi than khóc
cho chính mình và cho nỗi khổ của nhân loại. Theo thiên anh hùng ca, khi quay trở về sau chuyến hành
trình, Gilgamesh khắc lại nội dung toàn bộ câu chuyện phiêu lưu và những kỳ quan của thành phố Uruk
lên trên các thẻ đất sét để dạy dỗ cho hậu thế. Vì vậy, kể từ thời Gilgamesh, cứ mỗi lần rắn lột bỏ lớp da
cũ, thì sự hồi sinh của rắn mãi nhắc nhở cho con người là họ phải già đi và chết. Tuy nhiên, thiên hùng ca
cũng cho ta biết là dù các bậc đại anh hùng có chết đi, họ vẫn bất tử trong các công trạng của họ được
ghi chép lại.
BỘ LUẬT HAMMURABI
Khi sử gia Herodotus người Hy Lạp viếng Babylon vào thế kỷ thứ 5 trước CN, ông ta đưa ra một kết
luận đáng chú ý là ở thành phố này không có bác sĩ. Ông ta cho biết là người bệnh được mang ra giữa
chợ để tìm lấy lời khuyên bảo của những người đã từng bị những bệnh tương tự. Câu chuyện này cho
thấy ta không nên quá tin vào những chuyện kể của du khách. Như chúng ta thấy, vùng Lưỡng Hà có một
truyền thống y học phức tạp. Cả hai phương thức chữa bệnh theo kinh nghiệm và ma thuật đều có cơ sở
lâu đời, nhưng dần dà ưu thế rõ rệt là nghiêng về phía các thầy phù thủy. Bằng chứng về nhiều loại thầy
lang hành nghề y tại vùng này có thể tìm thấy trong bộ luật đầy đủ nhất của vùng Babylon, đó là Bộ luật
Hammurabi. Ngày nay, Hammurabi (cực thịnh vào 1792-1750 trước CN), là vị vua nổi tiếng nhất của
vùng Babylon, được chú ý nhiều nhờ bộ luật mang tên ông hơn là các chiến thắng quân sự và chính trị.
Hammurabi thiết lập đế quốc Babylon thống nhất và cai trị hai vùng Sumer và Akkad ở phía nam vùng
Lưỡng Hà khoảng hai thế kỷ. Đế quốc Babylon cuối cùng bị tiêu diệt và, vào năm 538 trước CN, vị vua
cuối cùng đầu hàng Cyrus Đại đế của Ba Tư và Babylon trở thành một phần của vương quốc Ba Tư. Vào
cuối thời gian trị vì, Hammurabi cho người dựng nên một bia đá lớn trên đó mô tả hình ảnh nhà vua nhận
tước hiệu Hoàng đế và công lý từ các vị thần. Phía dưới của hình ảnh này có khắc 282 án lệ mà ngày nay
được gọi là Bộ luật Hammurabi. Theo lời khắc trên bia, thì thần thánh, những bậc đã xây dựng nên tại
Babylon một vương quốc lớn mạnh và trường cửu, đã yêu cầu Hammurabi “đem lại công chính” trên
vùng đất được cai trị, diệt bỏ những kẻ ác và làm càn, để cho kẻ mạnh không làm hại cho người yếu.
Trong phần bạt của Bộ Luật, Hammurabi tự cho mình là “minh quân”, người đứng ra dạy dỗ cho dân các