và nhất quán của các loại bệnh, cho nên Sydenham cho rằng chỉ cần chú ý nhiều đến một số nhỏ các ca
bệnh thì cũng thu được đủ thông tin để áp dụng cho tất cả các ca tương tự. Kết hợp các quan sát trực tiếp
và các lý thuyết hóa học của Robert Boyle, Sydenham cho rằng những dòng xú khí dưới đất là nguyên
nhân của các thứ khí độc gây bệnh khi những khí này tiếp xúc với những hạt nhỏ nào đó có trong không
khí. Khi bầu không khí trở nên “đầy nghẹt các hạt nhỏ gây độc với cấu trúc cơ thể con người,” cứ mỗi
khi hít vào là hơi bị bão hòa với “các thứ khí độc hại và không hợp với tự nhiên”, khí này sẽ hòa với máu
và sinh ra các thứ bệnh cấp tính gây dịch. Khi thử áp dụng việc phân loại khoa học vào y học, Sydenham
đã hình dung bệnh là một thực thể hiện diện độc lập với người có khả năng mắc bệnh sau này. Các bệnh
cấp tính xảy ra là do những thay đổi trong bầu không khí, tác động đến nhiều người trong cùng một thời
điểm thì gọi là bệnh dịch; những bệnh cấp tính khác chỉ tấn công vài người trong một thời điểm thì gọi là
bệnh rải rác hoặc gian phát (intercurrent). Các thầy thuốc từ lâu cảm thấy vừa lòng với những tên gọi mơ
hồ về bệnh dựa theo các triệu chứng chính, nhưng Sydenham lại tin rằng thầy thuốc phải học cách phân
biệt giữa các bệnh khác nhau khi có cùng triệu chứng. Ví dụ, sốt thường được phân loại là sốt liên tục,
cách hồi và phát ban. Bệnh sốt chấy rận là dạng sốt liên tục thường gặp nhất, sốt rét là ví dụ chính của
sốt cách hồi, và bệnh đậu mùa là bệnh sốt phát ban đáng sợ nhất.
Bệnh đậu mùa, được Sydenham phân biệt cẩn thận với sốt tinh hồng nhiệt và bệnh sởi, vốn rất phổ biến
ở thế kỷ 17 đến mức Sydenham, giống như Rhazès, đã coi đó là một bệnh không thể thiếu được trong
tiến trình trở thành người trưởng thành bình thường. Các thầy thuốc thường bắt bệnh nhân nằm trên
giường, trên người phủ đầy mềm đắp, cho uống các thứ nước quả ép hâm nóng để tống các chất bệnh
trong người ra ngoài. Sydenham đoan chắc rằng những “chế độ điều trị làm nóng” chính thống này sẽ
làm cho máu sôi lên quá mức, từ đó dẫn đến quá trình lên men không phù hợp, tạo nên bọc mủ, sốt cho
não và cuối cùng là tử vong. Để hỗ trợ cho tự nhiên, Sydenham ghi ra đơn thuốc “chế độ làm mát” đơn
giản và vừa phải, như đắp mền mỏng, trích máu vừa phải và cho uống nhiều nước.
Một chuyên luận ngắn của Sydenham về bệnh tâm thần đã được coi là công trình quan trọng nhất của
thế kỷ 17 về các rối loạn tâm lý và cách điều trị những rối loạn này. Theo Sydenham, các rối loạn tâm lý
cũng thường gặp như các bệnh về thể chất. Ngoài ra, động kinh (hysteria), một rối loạn mà thời cổ đại
người ta cho là do sự dịch chuyển lung tung của tử cung, dường như là chứng bệnh thường gặp nhất
trong các bệnh mạn tính. Có lẽ không ngạc nhiên khi nói hầu như không phụ nữ nào thoát khỏi rối loạn
này, nhưng chắc chắn cũng phải ghi nhận rằng đàn ông cũng mắc chứng hysteria. Gặp phải khó khăn khi
phải xác định nguyên nhân gây bệnh mới, Sydenham gán bệnh hysteria là do phần hồn động vật bị rối
loạn (disordered animal spirits). Thời gian, là ông hoàng của mọi thầy thuốc, sẽ chữa lành nhiều bệnh
nhân bệnh này, nhưng Sydenham cũng đề nghị thử liệu pháp “xi rô nước thép” (tức là mạt sắt giũa ngâm
trong rượu vang) và đi cởi ngựa. Đối với cả những chứng tâm thần và thể chất, Sydenham rất ủng hộ
cách chữa bệnh bằng cách cho bệnh nhân cưỡi ngựa, tương tự như các nhà cổ động sức khỏe hiện nay ưa
môn thể dục chạy bộ. Một số bệnh nhân lại cần phải dùng mẹo để họ tham gia các vận động phục hồi sức
khỏe. Bực mình vì một bệnh nhân cứ nhất quyết không chịu khỏe, Sydenham đề nghị cho bệnh nhân này
đến tìm BS Robinson tại Inverness, là người có tài tạo ra điều kỳ diệu. Bệnh nhân phải mất nhiều thời
gian cưỡi ngựa để tìm ông bác sĩ không hề có này, nhưng như Sydenham dự đoán, sự hồi hộp, vận động
và cả giận dữ nữa đã làm cho anh ta khỏi bệnh.
BÀN VỀ NHỮNG NỖI THỐNG KHỔ DO BỆ NH GÚT VÀ CÁC TÍNH CHẤT CỦA
COLCHICINE