khối thịt rỉ mủ không còn hình dạng gì, lên cơn cuồng sản vì sốt cao và toàn thân bốc mùi thối ngạt thở.
Tình trạng nhiễm độc, viêm phổi - cuống phổi, suy tim mạch, hóa sẹo, mù mắt, và điếc là các biến chứng
không phải hiếm, nhưng dạng nặng nhất là đậu mùa đen hoặc xuất huyết, hầu như luôn gây tử vong.
Có thể đoán rằng, bệnh đầu mùa đã từng hoạt động âm ỉ trong hàng thế kỷ giữa vô số các bệnh gây sốt
tại nhiều địa phương ở châu Á hoặc châu Phi cho tới khi bệnh được mang từ Ba Tư vào châu Âu, miền
Trung Á và Trung Quốc qua các hình thức di trú của con người, chiến tranh và thương mại thay đổi
không ngừng. Những vết sẹo điển hình trên xác ướp của vua Ramses V (chết năm 1157 trước CN) và sự
hiện diện của các vị thần Ấn Độ và châu Phi xả thân cho bệnh đậu mùa, chứng tỏ bệnh này đã có từ thời
xa xưa. Đến thế kỷ 17, châu Âu rất kinh khiếp đậu mùa, coi đó như là “tên trợ thủ giết người khủng
khiếp nhất”. Trong bài Khảo luận về các bệnh sốt (1750), John Huxham (1692-1768) ghi nhận bệnh đậu
mùa có hình thái và mức độ trầm trọng cực kỳ biến thiên, ngay cả cùng trong một làng, một gia đình,
một hộ. Có khi chỉ là vài nốt đậu nhẹ và thưa thớt, có khi những nốt này khá ác tính và dồn lại thành
từng đám. Ngoài ra, Huxham cũng nhận thấy một số người đi thăm người ốm để được lây bệnh vào thời
điểm thích hợp, nhưng lại không bị bệnh; rồi sau đó sau khi mừng là mình thoát, họ lại mắc bệnh nhiều
tháng hoặc năm sau đó từ một nguồn không xác định. Dù rằng bệnh đậu mùa được coi là lây nhiễm cao,
người ta vẫn không thể nào đoán trước được có bao nhiêu người sau khi phơi nhiễm với người bị đậu
mùa - trong phòng bệnh hoặc ở cuối hướng gió tại một nhà ga sân bay- lại thực sự bị nhiễm.
Trong khi tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa thường là 15-25%, trong một số vụ dịch, con số này có thể lên
đến 40%. Bệnh đậu mùa, cùng với tiêu chảy, bị giun sán, và sốt mọc răng, là một trong những chứng
bệnh không thể nào tránh được của tuổi thiếu nhi; khoảng 30% trong toàn bộ trẻ em ở Anh chết vì bệnh
đậu mùa trước khi qua sinh nhật lần thứ 3. Không có thứ thuốc nào chữa được bệnh đậu mùa một khi
bệnh đã xảy ra, nhưng kể từ thế kỷ thứ 9, khi Rhazes tách rời bệnh đậu mùa và bệnh sởi ra khỏi những
bệnh sốt phát ban khác, thì các thầy thuốc khác đã bổ sung nhiều thứ vào đơn thuốc tài tình của ông này.
Một số thầy thuốc khuyên nên dùng kim vàng để mở miệng các bóng nước, người khác thì thì khuyên
nên đắp phân bò hoặc phân ngựa cho bệnh đậu mùa và phân dê cho bệnh sởi. Một số người hoài nghi
cảnh báo rằng cách xử trí của thầy thuốc còn gây nhiều nguy hiểm hơn là chính căn bệnh.
Không đủ tiền để trả công cho bác sĩ, nông dân tại nhiều vùng ở châu Âu tìm cách bảo vệ con cái của họ
bằng cách chủ ý cho chúng tiếp xúc với một người bị bệnh đậu thể nhẹ nhằm “mua lấy bệnh đậu” khi có
dịp thuận lợi. (Nhiều người thuộc thế hệ cổ lỗ đã lớn lên trước giai đoạn có tiêm chủng thường xuyên
phòng bệnh sởi, quai bị và rubella có thể nhớ lại những phương cách tương tự nhằm giúp cho trẻ em mắc
phải những bệnh không thể tránh khỏi của tuổi thiếu niên vào một thời điểm thích hợp). Tuy nhiên, dân
gian lại đưa ra một số phương pháp còn mạo hiểm hơn là cách phơi nhiễm thụ động. Lấy ví dụ, người ta
lấy một chút mủ tươi từ bọc mủ đậu mùa vào bôi vào một vết cắt hoặc rạch trên da người khỏe. Tại
Trung Quốc, trẻ em được cho tiếp xúc với “bệnh rỗ hoa” bằng cách cho chúng hít bột lấy từ vảy của nốt
đậu. Kinh nghiệm đã dạy cho các thầy thuốc dân gian tại châu Phi, châu Á, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là nếu
chủ ý cho bệnh nhân phơi nhiễm với người mắc bệnh vào một thời điểm thích hợp sẽ giúp bảo vệ cho họ
không mắc bệnh trong một thời gian dài. Các thầy thuốc uyên bác, ngược lại, thường cho rằng những
cách hành nghề này là man rợ và mê tín. Trong thế kỷ 18, càng ngày càng có nhiều người tò mò muốn
tìm hiểu kỹ hơn về những cách hành nghề dân gian cổ xưa, trong đó có việc cấy đậu (variolation).
Phu nhân Mary Wortley Montagu (1689-1762) được coi là có công đưa phương pháp cấy đậu của người
Thổ từ một “phong tục của bọn ngoại đạo” kỳ cục thành một phương pháp thời thượng trong tầng lớp ưu