chay của đám Graham có những món ngon khó nuốt như “bánh mì Graham, bí đỏ hầm, bột mì thô, và
nước lạnh tinh khiết”.
William Alcott lấy bằng bác sĩ tại đại học Yale danh giá, nhưng do vỡ mộng với ngành y nên quyết định
chỉ dựa vào khả năng chữa bệnh của tự nhiên thay vì các phương thức trị liệu quy ước. Sau khi phát hiện
rằng thuốc men không thể chữa khỏi bệnh lao của mình, Alcot thay đổi chế độ ăn, kiêng rượu, và thừa
nhận thiên nhiên là thầy thuốc thực sự duy nhất. Alcott dành phần còn lại của đời mình để xây dựng và
thuyết giảng sách phúc âm của mình về Thể dục và Sinh lý học Cơ Đốc. Là một tác giả sung sức, Alcott
truyền bá thông điệp của mình qua sách, bài báo, và những sách hướng dẫn tự học, chẳng hạn như Các
bài giảng về Sự sống và Sức khỏe, Các Quy luật của Sức khỏe, Sinh lý học hôn nhân, và Biên niên về
Giáo dục, nhưng chính tài liệu Chế độ ăn chay được khuyến cáo bởi Thầy chữa bệnh và Kinh nghiệm
qua mọi thời đại mới làm cho ông nổi tiếng nhất. Alcott cảnh báo rằng thịt và những thực phẩm có thịt
khác làm kích thích thần kinh, dẫn tới sự tự hành hạ, và lúc nào trong lòng cũng cứ muốn được kích
thích nhiều hơn nữa. Theo Alcott, chế độ ăn kiêng là nền tảng cho mọi thứ cải cách khác, “Dân sự, Xã
hội, Đạo đức, hoặc Tôn giáo.”
Năm 1850, William Alcott được bầu làm Chủ tịch tại một hội nghị thành lập Hội Ăn kiêng Mỹ. Khi
William Alcott mất, William Metcalfe thay thế. Ông này là người thành lập Nhà Thờ Kinh thánh Cơ
Đốc. Metcalfe lý luận rằng Kinh thánh, nếu được giải thích đúng đắn, đòi hỏi con người phải kiêng các
thực phẩm có chứa thịt. Ngược lại, Graham và Alcott đặt nền móng chế độ tiết thực của họ trên nền tảng
khoa học đương thời, chủ yếu là những nghiên cứu sinh lý học của François J. V. Broussais (1772-1832)
và những nghiên cứu về giải phẫu học của Xavier Bichat (1771-1802). Theo cách hiểu có phần giản lược
của Alcott và Graham, lý thuyết về bệnh lý của Broussais nói chung gán mọi hình thức bệnh tật là do
đường tiêu hóa bị kích thích quá độ, từ đó sinh ra chứng khó tiêu và viêm tấy toàn bộ cơ thể.
Trường phái ăn kiêng được hô hào như là một lối sống mang lại sức khỏe, hợp vệ sinh, và hợp tự nhiên,
nhưng các nhà tìm kiếm sức khỏe cũng cần tìm một phương cách hợp vệ sinh, hợp tự nhiên để làm nhẹ
đi những chứng bệnh cấp tính và mạn tính. Một hệ thống trị liệu được gọi là thủy liệu pháp, là phần
dường như không thể tách rời những học thuyết về cải cách y tế do Alcott và Graham truyền bá. Khi
thủy liệu pháp trở nên phổ biến tại Mỹ trong thập niên 1840, môn này sáp nhập nhiều yếu tố của môn
sinh lý học kiểu Graham, trong đó nhấn mạnh đến không khí trong lành, ánh nắng, vận động, chế độ ăn
và cải cách y phục. Các thầy thuốc thủy liệu pháp xây dựng các trung tâm điều trị chính thức và các cơ
sở giáo dục để đào tạo những người chuyên môn, những người này hợp thành một nhóm mới gồm các
thầy thuốc cạnh tranh với các thầy thuốc chính thống và những thầy thuốc không chính quy khác.
Thủy liệu pháp cũng bài bác một tín niệm lâu đời là nếu tắm quá mức hoặc ngâm mình trong nước lạnh
cũng nguy hiểm như không khí ban đêm. Lấy ví dụ, Benjamin Franklin (1706-1790) kể cho bạn bè Mỹ
của mình là ở London người ta rất chuộng cách tắm lạnh, coi đó như là thuốc bổ, nhưng ông nghĩ rằng
phản ứng của cơ thể đối với tắm lạnh là quá mãnh liệt. Để chứng minh cho những nguy hiểm của tắm
lạnh, Franklin tả cảnh 4 thanh niên muốn giải nhiệt cho cơ thể sau một ngày làm việc đầy oi bức bằng
cách nhào xuống suối nước lạnh. Hai người chết tức khắc, người thứ ba chết ngày hôm sau và người thứ
tư khó khăn lắm mới hồi phục. Để tránh những nguy hiểm khi ngâm trong nước lạnh, Franklin thích tắm
không khí, tức là cởi hết quần áo, ngồi trong phòng chừng 30 phút mỗi buổi sáng. Mặt khác, Franklin
cũng tin rằng bơi lội là “một trong những hình thức thể dục dễ chịu và mang lại sức khỏe nhất” trên đời.