các giáo sư môn sản khoa và phụ khoa và hiệu trưởng của trường đều là phụ nữ. Sau khi nhận các sinh
viên nam lần đầu tiên vào năm 1969, trường đổi tên thành Trường y của tiểu bang Pennsylvania.
Năm 1899, khi Đại học Cornell nhận sinh viên nữ vào khoa y, thì chị em bà Blackwell đóng cửa trường
Woman’s Medical College thuộc Bệnh xá bang New York. Nhiều nhà lãnh đạo chiến dịch mở cửa ngành
y cho phụ nữ thấy rằng các trường hỗn hợp (có nam và nữ sinh viên) là bằng chứng cho thấy không còn
cần đến các trường dành riêng cho phụ nữ nữa. Sau khi tranh đấu để được vào các trường y tại Mỹ, thập
niên 1890 dường như là một “kỷ nguyên vàng” đối với các bác sĩ nữ. Chị em bà Blackwell tin rằng tất cả
các trường y giờ đây đã mở cửa cho nữ giới. Tiếc thay, chẳng bao lâu sau đó cánh cửa lại đóng chặt một
lần nữa. Trong 50 năm đầu của thế kỷ 20, con số các “chỗ” dành cho sinh viên y nữ còn rất nhỏ đến mức
họ khó có thể tin rằng trong số các sinh viên y khoa có phụ nữ.
Phụ nữ dễ tiếp cận với một số trường không chính quy vào thế kỷ 19 hơn là các trường y chính thống,
nhưng phần lớn các trường này biến mất vào đầu thế kỷ 20. Một số ít tồn tại nhưng phải từ bỏ triết lý của
các nhà sáng lập hoặc sáp nhập vào các trường chính thống. Lấy ví dụ, Trường Y khoa của các nhà
truyền giáo “College of Medical Evangelists”, do Ellen G. White sáng lập nhằm đẩy mạnh thông điệp y
tế của hệ phái Tin lành Adventist và để bảo vệ tính e lệ của phụ nữ bằng cách tuyển các thầy giáo và sinh
viên nữ. 4 trong số 10 sinh viên đầu tiên là nữ. Trường The Adventist College of Medical Evangelists tại
Loma Linda, California, lúc đầu là một trường dạy thủy liệu pháp (hydropathic), mặc dù White mong
rằng trường sẽ đạt được quy chế chính thức. Khi ảnh hưởng của White suy giảm, lãnh đạo nhà trường
muốn thay đổi sự cân bằng giữa học thuyết tôn giáo và khoa học y học. Mục đích của White nhằm đào
tạo phụ nữ để chăm sóc bệnh nhân phụ nữ bị bãi bỏ nhanh chóng, cùng với “học thuyết thùy mị” quy
định vai trò của phụ nữ là thầy giáo và là sinh viên. Đến thập niên 1920, trường Adventist đã tự chuyển
đổi thành một trường chính thống và từ bỏ cam kết việc đào tạo bác sĩ nữ.
Một thế kỷ sau khi Blackwell lạc quan tuyên bố rằng cuộc chiến dành quyền được học y khoa của phụ nữ
chỉ có thắng lợi, các phiên điều trần của Quốc hội Mỹ đưa ra bằng chứng quá đầy đủ của vấn đề mà phụ
nữ đã biết từ lâu: các trường y khoa của Mỹ đã phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Tuy nhiên, một số nhà
quản lý đại học cho rằng hạn mức 5% “chỗ dành cho nữ” thực ra quá nhiều. Năm 1970, Liên đoàn Hoạt
động vì Bình đẳng cho Nữ giới (WEAL) đệ đơn kiện tất cả các trường y khoa tại Mỹ, cho rằng có sự lạm
dụng trong việc nhập học và vi phạm hệ thống hạn mức. Từ năm 1905 đến 1955, khoảng 4-5% các sinh
viên y khoa là nữ. Năm 1969, phụ nữ chiếm đến 9% số sinh viên y. Năm 1971, phản ứng với vụ kiện do
WEAL đứng đơn, Cơ quan Y tế Công cộng Mỹ tuyên bố rằng các trường y nào đã nhận kinh phí liên
bang thì không được phân biệt đối xử với phụ nữ khi nhập học hoặc về lương bổng. Đến năm 1975, con
số sinh viên y là nữ đã tăng gấp ba lần.