Mặc dù trong tự nhiên có quá nhiều chất gây ngủ, nhưng những sản phẩm đáng chú ý trong cuộc cách
mạng hóa học của thế kỷ 18 cuối cùng đã làm quên lãng các chất làm giảm đau xa xưa. Joseph Priestly
(1733-1804), một nhà thần học, giáo dục, nhà văn và lý thuyết gia chính trị người Anh, nổi tiếng là người
đã phát hiện ra oxygen, nhưng như Humphry Davy (17781829) khi nói về nhà hóa học không mệt mỏi
này, “chưa có một người nào đã từng khám phá ra nhiều chất mới và lạ lùng như vậy”. Lạ lùng nhất là
chất khí nitrous oxide, hoặc khí gây cười. Do có thói quen thử lấy tác dụng của các thứ khí mới lên chính
cơ thể của mình, Priestley có thể đã phát hiện được các tính chất gây mê/gây tê của khí gây cười nếu việc
nghiên cứu của ông không bị gián đoạn vì những vụ xung đột tôn giáo và chính trị buộc ông phải di cư
sang Mỹ năm 1794.
Những phát hiện tài tình của nhà hóa học đầu tiên về chất khí đã cung cấp các cơ hội cho bọn lang băm
và lừa bịp. Các nhà thực nghiệm có lương tâm không thể cạnh tranh với bọn lang băm hứa hẹn sẽ chữa
khỏi một cách thần kỳ những bệnh như hen suyễn, chảy nước mũi, ho lao và ung thư khi cho bệnh nhân
thở khí oxygen, hidrogen và những thứ “khí giả tạo” khác. Tuy nhiên, một số thầy thuốc tìm cách hợp
pháp hóa đưa vào sử dụng trong y học những thứ khí mới. Bị ngành hóa học chất khí lôi cuốn, Thomas
Beddoes (1760-1808) thuyết phục bạn của mình là Thomas Wedgwood (1771-1805) và James Watt
(1736-1819) thành lập Viện khí (Pneumatic Institute), là một bệnh viện cho bệnh nhân hít các thứ khí giả
tạo để điều trị các bệnh phổi. Nhiều nhà khoa học, trong đó có Humphry Davy, chú ý đến công trình này.
Khi bị đau răng năm 1795, Davy bắt đầu hít nitrous oxide. Ngoài cảm giác lâng lâng, thư giãn và phấn
khởi, Davy thấy rằng cái đau do chiếc răng khôn hầu như biến mất. Khi sự hồ hởi không còn, thì cảm
giác đau quay trở lại, thậm chí còn dữ dội hơn. Tuy nhiên, Davy cho rằng nitrous oxide có thể hữu dụng
trong các phẫu thuật. Đồng nghiệp của Davy là Michael Faraday (1791-1867), phát hiện ra tác dụng gây
ngủ của hơi ether khi thí nghiệm các chất khí. Khi so sánh hiệu quả của ether và nitrous oxide, Faraday
thấy rằng cả hai hóa chất đều cho các đáp ứng tương tự. Phần lớn những người sử dụng đều thấy rằng hít
hơi ether hoặc nitrous oxide đều cho cảm giác rất dễ chịu, nhưng đôi khi, có người hít những thứ khí này
lại trải qua các tác dụng kinh hãi và lạ lùng chẳng hạn như mất cảm giác đau, lừ đừ kéo dài, bị ảo giác và
ngất. Các nhà hóa học của thế kỷ 18 khuyên sử dụng ether cho các trường hợp chết giả, nhức đầu, bệnh
gút, bệnh thấp, suyễn, điếc, ho gà và nhiều rối loạn khác.
Thậm chí các cố gắng dũng cảm của Henry Hill Hickman (1801-1830) nhằm khẳng định tính an toàn và
hiệu quả của kỹ thuật gây mê/gây tê bằng cách xông hơi cũng không tạo được sự quan tâm từ phía ngành
y. Không giống như nhiều nhà tiên phong khác trong kỹ thuật gây mê/gây tê, Hickman không chỉ đơn
thuần hít các chất khí. Ông ta làm nhiều test cho hít khí trên chó và chuột nhắt khi nhốt chúng vào các
bình thủy tinh đậy kín cho tới khi chúng rơi vào trạng thái “ngưng hoạt động”. Trong trạng thái này,
những con vật trên không còn cảm giác đau, nhưng bị nguy cơ truỵ tuần hoàn trong khi làm phẫu thuật.
Không thành công trong cố gắng khơi dậy sự chú ý công trình của mình trong gây mê/gây tê phẫu thuật,
Hickman không chịu nổi ý nghĩ hoàn toàn thất bại và tự sát.
Câu chuyện phát triển kỹ thuật gây mê/gây tê ngoại khoa trong thập niên 1840 liên quan đến một bảng
phân vai miễn cưỡng phù hợp cho một trò vui nhộn hơn là một bi kịch lịch sử. Hơn thế nữa, những biến
cố chính đã xảy ra không phải tại các trường đại học y và bệnh viện danh giá ở châu Âu, mà lại ở ngoài
rìa của thế giới y học và khoa học. Nhân vật chính là các giáo sư nay đây mai đó, các nhà hóa học trình
diễn trò rong, và các nha sĩ mà thời đó thường được coi như là lang băm hơn là bác sĩ. Những cuộc tranh
chấp dữ dội để giành quyền ưu tiên đã làm hao tổn và thậm chí đã hủy hoại cuộc đời của nhiều người