ung thư ác tính, chỉ có một chọn lựa là “thuốc phiện, thuốc phiện, thuốc phiện !”. Với liều cao, thuốc
phiện thường gây buồn ngủ và đờ đẫn, nhưng các tác dụng không mong muốn như kích động, nhức đầu,
và táo bón không phải là ít gặp. Thuốc phiện và các chất opiates không làm ngưng thở nhưng lại làm
giảm tính nhạy cảm của trung tâm hô hấp với carbon dioxide. Do kích thích tự động hô hấp bị giảm,
người bệnh được gây ngủ bằng những thứ thuốc trên có thể chết. Opiates cũng có thể gây táo bón, buồn
nôn và ói, ức chế phản xạ ho hoặc gây co thắt phế quản. Dù vậy, thuốc phiện vẫn được sử dụng trong
thuốc ho, thuốc gây ngủ và thuốc nước để làm cho trẻ em bớt quấy khóc. Dù có nhiều người nhận thấy
mối nguy hiểm của sự nghiện thuốc, nhưng thuốc phiện vẫn còn sử dụng rộng rãi cho đến thế kỷ 20. Các
thuốc gây ngủ và ma túy cũng được bào chế từ marijuana, hoa đông chí (hellebore), cà độc dược (bella
donna), cây kỳ nham (henbane), jimsonweed (giống như cà độc dược), và vô số loại cây cỏ khác. Cây kỳ
nham, từng được coi là thuốc phiện cho người nghèo, được khuyến cáo điều trị mất ngủ, đau răng và đau
nhức.
Các chất độc hiện diện trong toàn bộ thân lá của loài cà dược mọc khắp nơi nhưng các alkaloid có tác
dụng mạnh như atropine và scopolamine lại tập trung ở hạt. Không phải là hiếm gặp các báo cáo về ngộ
độc tương tự Atropine ở những người ăn hạt loại cà này và sau đó rửa trôi xuống bằng rượu. Đã được sử
dụng từ lâu làm thuốc ngủ và an thần, scopolamine được các bác sĩ sản khoa thế kỷ 20 sử dụng nhiều,
các vị này cho rằng giấc ngủ chập chờn khi cho bệnh nhân hỗn hợp scopolamine với morphine đã giúp
cho họ xử lý đẻ không đau một cách khoa học. Những người chống đối cho rằng giấc ngủ chập chờn gây
ra tác dụng làm quên hơn là gây mê/ gây tê. Với phương pháp này, người phụ nữ cũng có đau đẻ nhưng
sau đó quên đi và nghĩ rằng đã đẻ không đau. Ngay cả khi biết rằng phải giữ chặt người phụ nữ khi gây
mê/gây tê với scopolamine-morphine, nhưng BS Bertha Van Hoosen (1863-1952) đã ca ngợi giấc ngủ
chập chờn là “ân huệ lớn nhất mà thế kỷ 20 đã mang lại cho phụ nữ”. Van Hoosen đã chế ra một cái
giường cũi đặc biệt để giữ sản phụ sắp được cho đẻ không đau nhằm tránh không bị thương tích khi họ
vùng vẫy và la hét. Năm 1915, Van Hoosen thành lập và trở thành chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Y học
phụ nữ Mỹ. Trong thập niên 1920, thời đại của scopolamone- morphine chấm dứt khi người ta hoài nghi
sự an toàn của giấc ngủ chập chờn và sự ra đời của nhiều thứ thuốc khác tốt hơn. Thậm chí scopolamine
còn được quảng cáo làm thuốc chóng say sóng, mặc dù thuốc này có thể tạo nên các ảo giác nguy hiểm.
Cây độc cần (hemlock) là thành phần chính trong liều thuốc độc được đưa cho triết gia Hy Lạp Socrates
(470-399 trước CN), người đã bị kết tội chết vì đã làm hủ bại đầu óc thanh niên thành Athens. Mặc dù rõ
ràng là một thứ thuốc nguy hiểm, nhưng đôi khi độc cần được dùng làm các thứ thuốc nước gây mê/gây
tê. Chất này ức chế các trung tâm vận động trước khi tác dụng lên các trung tâm cảm giác; điều này có
thể là tốt cho phẫu thuật viên, nhưng không tốt cho bệnh nhân. Các thầy thuốc ngoại khoa rất muốn tìm
những thứ thuốc nào vừa làm giãn cơ vừa gây mê/gây tê. Curare, một chất độc được người da đỏ Nam
Mỹ dùng để tẩm vào đầu mũi tên, đã được các nhà khoa học châu Âu chú ý trong đó có nhà thám hiểm
kiêm tự nhiên học Alexander von Humboldt (1769-1859), người suýt mất mạng khi theo đuổi nghiên cứu
này. Curare không làm giảm đau, nhưng có ích trong phẫu thuật bởi vì nó ngăn cản sự vận động và làm
giãn cơ mạnh. Do curare gây ra trạng thái liệt có thể gây chết người nếu không được hô hấp nhân tạo,
cho nên đã không được sử dụng mấy trong ngành ngoại khoa vào thế kỷ thứ 19. Nhiều thập niên sau đó,
các phẫu thuật viên mới định nghĩa lại “3 dấu hiệu cổ điển” của gây mê/gây tê là “mất tri giác (hoặc
quên), mất cảm giác đau và giãn cơ (khi thích hợp).
KHÍ GÂY CƯỜ I, ETHER VÀ GÂY MÊ / GÂY TÊ NGOẠI KHOA