thì có thể thanh toán bệnh lao mà không cần đến vaccine. Tuy nhiên, các cấp thẩm quyền trong y khoa và
y tế công cộng ít khi đạt được sự đồng thuận thực tiễn thế nào là sự “khôn ngoan sinh học”.
Theo những khảo sát tiến hành trong thập niên 1920 và 1930, test tuberculin trên da cho thấy có từ 50
đến 60% sinh viên của các trường cao đẳng vùng đông bắc và khoảng 80% sinh viên vùng tây nam (Mỹ)
đã nhiễm lao. Thậm chí tỷ suất nhiễm còn cao hơn ở các sinh viên ngành y và điều dưỡng. Một số trường
báo cáo là khi tốt nghiệp tất cả các sinh viên đều dương tính với tuberculin. Cùng thời điểm này, bệnh lao
đang giảm trong cộng đồng nói chung. Do lao là một bệnh gắn liền với sự nghèo khó, những phát hiện
như thế này trong quần thể sinh viên tương đối có điều kiện khiến người ta cảm thấy lúng túng. Đặc biệt
là các trường đại học nữ luôn ưu tiên các vấn đề bảo đảm sức khỏe cho sinh viên. Điều này rất cần thiết
để phản bác lại những lời cảnh báo y học về sự nguy hại của việc học đối với sức khỏe và sự phát triển
của phụ nữ.
Khi người ta phát hiện rằng độc lực của nhiều chủng trực khuẩn lao biến thiên khá nhiều, các nhà khoa
học hi vọng rằng một chủng nào đó có thể đóng vai trò của bệnh đậu bò được sử dụng để phòng ngừa
bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, rất khó khăn khi đánh giá các vaccine bệnh lao; tại một số vùng, hầu như mọi
người đều đã phơi nhiễm với trực khuẩn và nhiều người đã nhiễm từ lâu nhưng bệnh chưa phát ra. Trực
khuẩn lao có thể ngủ yên nhiều năm trong cơ thể người nhiễm. Chúng tránh được sự tấn công của hệ
miễn dịch và tự bảo vệ bằng lớp vỏ bọc dày gồm các phức hợp lipid. Vaccine chống bệnh lao phổ biến
nhất lấy từ một chủng vi khuẩn còn sống nhưng đã giảm độc tính do Albert Léon Charles Calmette
(1863-1933) và các cộng sự phát triển. Từ thập niên 1920, vaccine BCG (Bacille Calmette-Guérin) đã
được đem tiêm phòng lao cho con nít. Mặc dù vẫn còn các vấn đề về tính an toàn và hiệu quả của BCG,
nhưng tiêm vaccine phòng bệnh vẫn là cơ sở của các nỗ lực chống bệnh lao tại nhiều quốc gia đang phát
triển.
Việc thừa nhận mối nguy hiểm do sữa bị vấy nhiễm đã đóng một vai trò quan trọng trong các cố gắng
phòng chống bệnh lao. Một số nhà khoa học nghĩ rằng bệnh lao đi từ gia súc và đã truyền sang người qua
sữa và thịt, nhưng mối liên hệ giữa bệnh lao của người và của bò đã trở thành nguyên nhân của nhiều
tranh cãi dữ dội. Năm 1901, tại Hội nghị về bệnh lao đầu tiên của Anh tổ chức tại London, Koch tuyên
bố rằng bệnh lao của bò và của người là hai bệnh khác nhau. Đối lập với các ý kiến thịnh hành thời bấy
giờ, Koch tuyên bố rằng con người không thể nhiễm trực khuẩn lao của bò. Tuyên bố này quả là gây sốc,
không phải chỉ vì hoàn toàn sai, nhưng vì trong công trình đầu tiên về bệnh lao của mình Koch đã nói
rằng bệnh lao của người và của bò là do một con vi sinh gây ra. Nếu điều này đúng, thì ý kiến mới của
Koch về bệnh lao của bò đã tạo ra những tác động ghê gớm cho ngành y tế công cộng. Vì thế, các nhà vi
trùng học gấp rút tìm cách chứng minh hoặc bác bỏ lời tuyên bố này. Một Ủy ban của Anh đi đến kết
luận rằng bệnh lao của bò là một mối đe dọa cho y tế công cộng, nhưng Ủy ban của Đức lại nhất trí với
Koch. Tuy vậy, Emil von Behring (1854-1917) lại cho rằng sữa bị vấy nhiễm là nguyên nhân chính gây
nhiễm lao cho trẻ con. Quan điểm này được nhà vi trùng học người Mỹ là Theobald Smith (1859-1934)
xác nhận. Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi rất dễ bị nhiễm bệnh từ “những môi trường cấy bệnh lao” tức là sữa
được bán ra. Vì thế, Smith vận động tiêu hủy các trại sản xuất sữa bò bị nhiễm lao, coi đó như là một
biện pháp y tế công cộng cần thiết.
Các bác sĩ thú y và các nhân viên y tế công cộng cùng nhau nhấn mạnh những mối nguy hiểm của bệnh
lao của bò đối với sức khỏe con người. Koch bị công kích vì ông quá chú trọng đến bệnh lao phổi và vì
ông cho rằng bệnh lao của bò không phải là vấn đề lớn. Bác sĩ nhi khoa người Mỹ Abraham Jacobi nói: