LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 431

14

Các phương tiệ n chẩn đoán và điều trị

Trong hàng trăm năm, y học về mặt lý thuyết, thực hành và kể cả trị liệu không hề thay đổi bao nhiêu
đến mức Hippocrates và Galen nếu còn sống cũng có thể tham gia dễ dàng vào hàng ngũ của các thầy
thuốc uyên bác. Nhưng những thầy thuốc thông thạo nhất của thập niên 1880 sẽ hoàn toàn lúng túng với
các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị của nền y học hiện đại, cũng như các nội dung khoa học, định chế,
giáo dục, kinh tế và đạo đức của nó. Tuy nhiên, người ta có thể lập luận rằng cái khuôn khổ khái niệm
mà trong đó các thầy thuốc được đào tạo và hoạt động cho đến ngày nay lại nằm trong thời đại của Koch
và Pasteur. Những thay đổi sâu sắc trong vòng một thế kỷ đã đưa đến cái quan niệm cơ bản là sức khỏe
và bệnh tật có thể giải thích bằng các khoa học y sinh học.

Điều trị học về mặt lý thuyết và thực hành đã hoàn toàn thay đổi trong thế kỷ 19. Từ thời Hippocrates,
thầy thuốc và bệnh nhân đều mong đợi là việc điều trị sẽ làm thay đổi các triệu chứng và loại bỏ hiển
nhiên các chất dịch hoặc chất bài tiết xấu. Mặc dù trong quá khứ, cách điều trị của các thầy thuốc chính
thống luôn là “trích huyết, xổ và súc ruột” chẳng cần đếm xỉa đến bệnh hoặc bệnh nhân, nhưng họ cho
rằng điều trị phải căn cứ vào những đặc trưng chuyên biệt và môi trường đặc thù của người bệnh, chẳng
hạn như tuổi, giới tính, chủng tộc, nghề nghiệp, chế độ ăn, gia đình, khí hậu, các yếu tố thời tiết và nhiều
thứ khác. Các thầy thuốc giỏi, có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân chứ không điều trị bệnh. Họ dặn học
trò là không được kê đơn thuốc theo bệnh mà phải cho thuốc theo từng người bệnh và hoàn cảnh. Người
thầy thuốc cho rằng bệnh là sự mất cân bằng của hệ thống. Vì thế, trị liệu là sự cố gắng hợp lý nhằm
phục hồi sự cân bằng tự nhiên của người bệnh, thường thì bằng những cách điều trị “xả tháo” như trích
huyết, giác hút, thụt tháo và cho nhịn đói. Căn cứ vào hệ thống các tín niệm, những cách điều trị như thế
rõ ràng là có “hiệu quả” - tức là, một bệnh nhân sốt hâm hấp, kích động sẽ trở nên trầm tĩnh hơn sau khi
được trích máu và gây ói. Đến thập niên 1850, các thầy thuốc bắt đầu tin rằng phần lớn những bệnh mà
bệnh nhân mắc phải đều làm cho cơ thể suy yếu hơn là kích thích quá nhiều. Vì thế, cần phải điều trị để
kích thích cơ thể trở lại trạng thái cân bằng tự nhiên thay vì làm cho cơ thể suy kiệt. Mặc dù cơ sở lý luận
của các biện pháp điều trị thay đổi nhiều qua thời gian, và các nền văn hóa khác nhau, nhưng theo lời
tuyên bố trứ danh của William Osler: “Khát khao được uống thuốc có lẽ là đặc trưng lớn nhất khiến cho
con người khác với động vật.” Osler cũng hoài nghi về các cách trị liệu và thay vì buộc phải đưa ra một
cách trị liệu không rõ, ông nói ngay trong sách giáo khoa do ông soạn: “chưa có cách điều trị” hoặc “điều
trị bằng thuốc không có mấy tác dụng”.

Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, các thầy thuốc đẩy mạnh các chiến lược điều trị dựa trên khoa học thực
nghiệm. Họ học cách chẩn đoán bệnh qua những kỹ thuật được coi là khách quan, thay vì chỉ dựa chủ
yếu trên lời khai các triệu chứng của người bệnh. Là những người “hành nghề theo khoa học” các thầy
thuốc tập trung ngày càng nhiều vào những bệnh chuyên biệt và bỏ đi bớt những sự khác biệt giữa các
bệnh nhân. Lý luận mới đòi hỏi điều trị phải đặt cơ sở trên bệnh. “Những cách điều trị thực nghiệm”
hoặc “cách điều trị dựa theo sinh lý học” hứa hẹn rằng những phương pháp được tiến hành trong phòng
thí nghiệm sẽ giải thích được các nguyên tắc sinh lý học cơ bản về sức khỏe, bệnh tật và hoạt động của
các cách chữa trị. Khi môn điều trị học gia nhập các khoa học cơ bản, thay vì chỉ chữa các triệu chứng,
thầy thuốc sẽ đưa ra các cách điều trị riêng cho từng tiến trình bệnh học. Nhưng niềm lạc quan về một

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.