Nhiều khía cạnh của lịch sử Ấn Độ vẫn còn mù mờ mãi cho đến thế kỷ thứ 4 và thứ 3 trước CN, khi
vùng thung lũng sông Indus bị người Ba Tư, sau đó là Alexander Đại đế (356-323 trước CN) chinh phục.
Mặc dù Alexander chỉ lưu lại tại Ấn Độ chưa đầy hai năm, nhưng cuộc xâm lăng này đã mang lại sự trao
đổi văn hóa giữa thế giới nói tiếng Hy Lạp và các dân tộc của Ấn Độ. Trong những năm đầy xáo trộn sau
cái chết của Alexander, Chandragupta Maurya đứng lên đánh đuổi các viên chức gốc Macedonia còn sót
lại và lập một đế quốc riêng. Cháu nội của ông này, Asoka, trị vì từ năm 272 đến 232 trước CN đã thống
nhất phần lớn xứ Ấn và lập ra vương triều Maurya. Người ta cho rằng văn bản Artha Sastra, bàn về khoa
học chính trị và thuật cai trị, đã được viết ra theo lệnh của Chandragupta. Bộ sách này chứa nhiều luật
liên quan đến lịch sử y học, mại dâm, vệ sinh và y tế công cộng. Đội ngũ đông đảo các nhà phẫu thuật
hẳn có được công ăn việc làm từ những sự cắt xẻo cơ thể theo luật được quy định cho các hành vi bất
xứng. Lấy ví dụ, hình phạt cho một người lăng mạ cha mẹ hoặc thầy dạy của mình là cắt lưỡi.
Lúc khởi đầu được coi là một vị vua độc đoán tàn ác, hoàng đế Asoka cảm thấy hối hận trước cảnh máu
chảy và lầm than mà mình đã gây ra đến nỗi ngài từ bỏ chiến tranh và trở thành một Phật tử. Phật giáo
phát tích từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên dựa trên lời dạy của Đức Phật, “Bậc giác ngộ”,
và biểu lộ sự phản kháng chống lại sự phân chia giai cấp ngặt nghèo của xã hội Hindu và những nghi
thức tôn giáo do giới tăng lữ Bà La Môn kiểm soát.
Lời dạy của Đức Phật nhấn mạnh đến bác ái, sự tận tụy và sự an bình trong tâm hồn có được khi từ bỏ
dục vọng. Căn cứ theo các chỉ dụ khắc trên những bia đá lớn được dựng lên khắp đế quốc, vua Asoka đã
dốc lòng cho hòa bình và sự công chính thông qua chính nghiệp, từ bi, hỉ xả và thanh tịnh. Từ bỏ thú vui
săn bắn và ăn thịt, Asoka ban phát sự bảo vệ cho động vật cũng như con người và xây dựng nhà nghỉ
dưỡng, nơi chăm sóc người ốm và các cơ sở từ thiện khác.
Mặc dù các chỉ dụ của vua Asoka có nêu các bệnh viện và bệnh xá miễn phí được xây dựng khắp nước
Ấn Độ thời cổ đại, nhưng các bằng chứng lại không được ghi rõ. Vào thế kỷ thứ 5, một nhà du hành
người Trung Quốc có mô tả những bệnh viện Ấn Độ chăm sóc cho người ốm và người nghèo, nhưng ghi
nhận rằng đó là các cơ sở tư nhân tài trợ chứ không phải của nhà nước. Những người khác có nhận xét là
các nhà nghỉ do nhà vua tài trợ là nơi khách lữ hành và người nghèo có thể được khám chữa bệnh, cũng
như được cung cấp thực phẩm và thức uống. Một số đền thờ và trường học rõ ràng là có chăm sóc y tế.
Các bệnh viện từ thiện dường như biểu hiện rõ hơn tại các lân bang đã du nhập đạo Phật và triết lý y học
Ấn Độ. Các du khách đến Ấn Độ sau này ngỡ ngàng khi thấy có bệnh viện dành cho thú vật và xác nhận
rằng sự từ thiện và bác ái dường như dành cho chó và bò nhiều hơn là cho người.
Dưới triều vua Asoka, các tăng lữ Phật giáo tổ chức kết tập lớn tại Patna (năm 250 trước CN) nhằm xác
định văn bản nào nên được coi là luận thuyết chân thực của đạo Phật và tăng đoàn nên được tổ chức như
thế nào. Các nhà truyền đạo Phật đi tới Syria, Ai Cập, Hy Lạp, Tây Tạng và Trung Quốc. Mặc dù đạo
Phật phát triển mạnh tại nhiều nơi khác trên thế giới, tại Ấn Độ truyền thống Vệ Đà cổ xưa dần dà cũng
chiếm lại vị thế của mình. Sau triều đại vua Asoka, lịch sử Ấn Độ trở nên đầy rẫy những cuộc ám sát,
phản bội, và bị người Hy Lạp, Scythian, Hồi giáo, Mông Cổ, châu Âu xâm lược. Nền độc lập do nước
Anh trao trả năm 1947 đã dẫn tới bạo loạn, di cư ồ ạt, tàn sát và cuối cùng là phân tách ra thành những
vùng theo đạo Hồi và đạo Hindu. Năm 1950, Ấn Độ trở thành nước cộng hòa dân chủ và Pakistan trở
thành một cộng hòa theo Hồi giáo riêng rẽ vào năm 1956.