3
Các truyền thống y họ c của Ấn Độ và Trung Quốc
Trong các khảo sát về lịch sử y học, sự phát minh ra khoa học và y học duy lý thường được gán cho các
triết gia tự nhiên người Hy Lạp sống vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước CN. Quen với việc truy tìm nguồn
gốc nền văn hóa Tây phương bắt nguồn từ Hy Lạp, với một chút chiếu cố dành cho các nền văn minh
được nhắc trong Kinh thánh, các học giả châu Âu thường bỏ qua sự tiến bộ trong y học, khoa học và triết
học tại Ấn Độ và Trung Quốc. Sự tập trung đặc biệt khá hẹp này mang tính chất rất không may mắn
trong lịch sử y học, bởi vì khác với các truyền thống y học cổ xưa tại vùng Lưỡng Hà và Ai Cập, các
truyền thống của Ấn Độ và Trung Quốc vẫn còn hoạt động rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, học thuật gần đây đã
làm rõ rằng những con đường rất khác biệt được chọn để mưu cầu sức khỏe, chữa bệnh và truy vấn mang
tính hệ thống tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng rất đáng để chúng ta khảo sát.
Các sử gia nhận định rằng những truyền thống khoa học và y học phát triển tại Trung Quốc và Ấn Độ
đều phức tạp, phong phú và khác hẳn với các truyền thống châu Âu về nhiều mặt cơ bản. Nhiều vấn đề
còn tồn tại, nhưng rõ ràng là những vấn đề đáng chú ý nhất liên quan đến sự tiến bộ của khoa học và y
học của các nền văn minh khác nhau đều có liên quan đến các nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu và thầy
thuốc trong các nền văn hóa cổ xưa suy nghĩ về những gì họ làm hơn là câu hỏi thông thường ai làm cái
gì trước tiên.
ẤN ĐỘ
Là một tiểu lục địa đông đúc dân cư, với nhiều sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, và tôn giáo pha trộn, Ấn Độ
là một thế giới chứa đầy sự phức tạp đáng kinh ngạc. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, việc nghiên
cứu lịch sử Ấn Độ được cách mạng hóa nhờ sự phát hiện các kỳ quan của Mohenjo-daro và Harappa, là
hai thành phố chính thuộc nền văn minh sông Indus bị quên lãng vốn đã từng phồn thịnh khoảng từ năm
2700 đến 1500 trước CN. Các khai quật gần đây đã cung cấp bằng chứng có sự giao lưu buôn bán mạnh
mẽ giữa Ai Cập và Ấn Độ khoảng 2.000 năm trước đây. Các học giả trước đó đã cho rằng sự giao dịch
bằng đường thủy thời cổ đại giữa Ấn Độ và La Mã là sản phẩm kinh doanh của người La Mã, nhưng các
nghiên cứu về các thành phố cảng một thời thịnh vượng của Ai Cập cho thấy rằng các con tàu tham gia
các chuyến hải hành dài đầy nguy hiểm vốn được đóng tại Ấn Độ và được điều khiển bởi thủy thủ đoàn
là cư dân của xứ này. Con đường tơ lụa, một hệ thống các con đường lữ hành bằng lạc đà, đã đóng vai trò
gạch nối văn hóa và thương mại chính giữa Trung Quốc và châu Âu trong khoảng thời gian từ năm 100
trước CN đến thế kỷ thứ 15. Tuy nhiên, con đường thương mại trên biển giữa Ai Cập và Ấn Độ có thể đã
từng là một gạch nối khác với vùng Viễn Đông.
Hồi ức về sự phát triển, xáo trộn và suy thoái của nền văn minh Ấn Độ xa xưa còn đọng lại cho đến ngày
nay qua 4 văn bản được gọi là kinh Vệ Đà, vốn được tín đồ Ấn Độ giáo tôn thờ là sách thiêng chứa đựng
sự khôn ngoan do thần thánh truyền đạt. Kinh Vệ Đà được bổ sung với các bản chú giải sau này được gọi
là Phạm Thư (Brahmanas) và Áo-nghĩa thư (Upanishads), là hai kinh giải thích các văn bản xưa hơn và
chiêm nghiệm về bản chất của vũ trụ và kiếp người. Nghệ thuật chữa bệnh truyền thống của người Ấn
Độ được biết dưới tên y học là Ayurvedic.