ngừa cơn nhồi máu cơ tim chẳng hề mang lại thành công gì, trong khi đó người ta vẫn còn ưa cách can
thiệp mạnh tay như thường lệ.
Một vấn đề đặt ra do sự hiểu sai phổ biến là hiện nay bệnh truyền nhiễm đang bị khống chế, thế thì liệu
có nên duy trì sự quan tâm về y tế công cộng và tiêm chủng dự phòng mà không sợ các vụ dịch và mắc
những bệnh của lứa tuổi trẻ em đe dọa hay không. Tại các nước công nghiệp hóa giàu có, ít ai nhớ đến
cái giá nặng nề về sinh mạng có lúc phải trả cho bệnh lao, bạch hầu, đậu mùa, sởi và sốt bại liệt. Ngoài
ra, nhiều người sai khi tin rằng thuốc kháng sinh có thể chữa lành mọi thứ bệnh truyền nhiễm. Một số
nhà quan sát cảnh báo rằng tình trạng suy thoái của các phòng ban y tế công cộng tại cấp tiểu bang và
thành phố chứng tỏ rằng, khi không còn sự sợ hãi, thì người ta không thèm hiểu hoặc đánh giá đúng công
việc cơ bản, nhưng nói chung là thường xuyên của các cơ quan đó. Như Rudolf Virchow (1821-1902),
ông tổ của ngành bệnh lý tế bào, từng cảnh báo cho các đồng nghiệp ưa săn lùng vi trùng của mình, nếu
cho rằng bệnh truyền nhiễm vỏn vẹn chỉ là do các vi trùng, tức là đang ngăn cản không đi sâu vào nghiên
cứu và ru ngủ lương tâm mà thôi. Khi thế kỷ 21 bắt đầu, mối lo sợ về khủng bố sinh học và sự đe dọa
của những chứng bệnh mới xuất hiện đã thúc giục người ta phải quan tâm đến năng lực của các nước
công nghiệp hóa trong việc ứng phó với những bệnh truyền nhiễm đặc biệt độc, lây lan cao và chưa hề
gặp. Theo các chuyên gia y tế công cộng, sự quan tâm không hẳn sẽ chuyển thành cấp kinh phí và có kế
hoạch ứng phó.
Cần phải thông thạo về lịch sử, địa lý, sinh thái học, và kinh tế cũng như kiến thức về y học và khoa học
mới hiểu được mối căng thẳng là kết quả của những thay đổi trong mô hình sức khỏe, bệnh tật và nhân
khẩu học, và những sự khác biệt trong các kiểu thức thấy được tại các nước giàu có và các nước nghèo
khó. Sự lan rộng ra toàn cầu bệnh AIDS, vốn đang tàn phá các làng mạc và đô thị châu Phi nơi bệnh này
xuất phát, đã cho thấy nhu cầu cần có một tầm nhìn toàn cầu và mang tính lịch sử. Bệnh AIDS trở thành
một thực thể chẩn đoán đầu tiên vào năm 1981 khi Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh CDC bắt đầu báo cáo
những cụm bệnh lạ với hệ thống miễn dịch bị suy giảm nặng nề xuất hiện tại New York và Los Angeles
trên nhóm tình dục đồng giới nam trước đó vẫn khỏe mạnh. Năm 1984, tác nhân gây bệnh được xác định
là một retrovirus mà ta thường gọi là HIV. Trong vòng 5 năm sau những báo cáo đầu tiên này, Cục Y tế
công cộng Mỹ ước tính có trên một triệu người Mỹ bị nhiễm HIV. Các nghiên cứu sâu hơn về HIV cho
thấy rằng virus này không chỉ đơn giản xuất hiện trong thập kỷ 1980, nhưng đã âm ĩ như là một thứ dịch
thầm lặng tại nhiều khu vực trên thế giới nơi có nhiều thanh niên và trẻ em chết vì sốt và bệnh tiêu chảy.
Có khả năng là, nhiều bệnh và tác nhân gây bệnh khác chưa được nhận diện vẫn còn nằm sâu đâu đó
trong những bệnh gọi là sốt không rõ nguyên nhân (FUO) tại các nước đang phát triển trên thế giới.
Không giống như Thomas McKeown (1911-1988), một triết gia y học nổi tiếng, người lập luận rằng sự
can thiệp y học chỉ làm giảm ít ỏi các tỷ lệ tử vong và không ảnh hưởng mấy đến tỷ suất mắc bệnh, một
số sử gia y học tin rằng các biện pháp y tế công cộng đã góp phần rất quan trọng trong việc kiểm soát các
bệnh truyền nhiễm vào thế kỷ 19. Nhiều nhà phê bình về y học hiện đại cho rằng thuật ngữ “chăm sóc y
tế” là sự dùng nhầm từ. Nhiều nước giàu có thực ra đã tạo nên cái mà nếu gọi chính xác đó là “một nền
kinh tế phụ dành cho bệnh tật” (illness subeconomy), nền kinh tế này ngốn một phần lớn, và càng ngày
càng tăng GDP để giải quyết vấn đề bệnh mạn tính. Nhiều học giả cũng nhất trí rằng không có nhiều
bằng chứng chứng minh là y học trị liệu đã làm giảm các tỷ suất mắc bệnh và tử vong. Công trình của
McKeown, được tóm tắt trong quyển The Modern Rise of Population (1976), đã thách thức những giả
định phổ biến về mối liên hệ giữa việc hành nghề y và các kiểu thức luôn thay đổi về tỷ lệ tử vong và