1
Bệnh lý họ c và Y học cổ sinh
DẪN NHẬP
Một trong những huyền thoại lôi cuốn và vương vấn chúng ta nhất là huyền thoại thời Hoàng kim, thời
đại trước khi phát hiện cái tốt và cái xấu, khi cái chết và bệnh tật chưa ra đời. Thế nhưng, bằng chứng
khoa học - tuy ít ỏi, manh mún, và dù nhiều khi còn mang tính thách đố - lại chứng minh rằng bệnh tật
xuất hiện trước loài người từ lâu và không phải là hiếm hoi đối với các loài khác. Thật vậy, những nghiên
cứu trên các hóa thạch cổ, các bộ xương của các bộ sưu tập trong viện bảo tàng, động vật trong sở thú và
ở ngoài hoang dã cho thấy rằng chứng viêm khớp khá phổ biến đối với những loài động vật có vú trung
bình và lớn, kể cả con lợn đất (aardvarks) chuyên ăn kiến, và linh dương gazel. Bằng chứng nhiễm trùng
được tìm thấy trong xương của các động vật thời tiền sử, và trong mô mềm của các xác ướp. Các kỹ
thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại phát hiện được bằng chứng u bướu trong các hài cốt hóa thạch. Lấy ví
dụ, các nhà nghiên cứu chụp CT hộp sọ của một con khủng long bạo chúa (gorgosaurus) 72 triệu năm đã
phát hiện một u não có khả năng làm cho con vật mất thăng bằng và chuyển dịch khó khăn. Những bất
thường khác trên mẫu nghiên cứu cho thấy con vật bị gãy xương đùi, xương ống chân và xương vai.
Như vậy, việc hiểu được kiểu thức bệnh tật tấn công các bậc tổ tiên tiền sử của chúng ta đòi hỏi ta phải
có cách nhìn của các nhà bệnh lý học cổ sinh (paleopathologist). Marc Armand Ruffer (1859-1917), một
trong những người sáng lập môn bệnh lý học cổ sinh, đã định nghĩa đây là khoa học về những bệnh có
thể chứng minh qua hài cốt động vật thời cổ đại. Môn bệnh học cổ sinh cung cấp các thông tin về sức
khỏe, bệnh tật, tử vong, môi trường và văn hóa của các quần thể cổ đại.
Để tìm hiểu vấn đề bệnh giữa những con người thời cổ đại, chúng ta cần khảo sát một số mặt về sự tiến
hóa con người, về mặt sinh học lẫn văn hóa. Trong quyển sách Sự Xuất hiện của Con người và sự Chọn
lọc dựa theo quan hệ giới tính (Descent of Man and Selection in Relation to Sex (1871)), Charles Darwin
cho rằng con người cũng giống như các loài khác, đều phát triển từ những dạng sống trước đó qua hình
thức chọn lọc tự nhiên. Theo Darwin, tất cả các bằng chứng hiện có cho thấy rằng “con người có dòng
dõi từ động vật 4 chân, có lông, có đuôi, có lẽ có thói quen sống trên cây”. Mặc dù không có nhiều bằng
chứng, nhưng Darwin cho rằng tổ tiên xa xưa của con người hiện đại có họ hàng với khỉ đột (gorilla) và
tinh tinh (chimpanzee). Ngoài ra, ông còn tiên đoán rằng những con người đầu tiên có lẽ đã tiến hóa ở
châu Phi. Các bằng chứng đi từ nghiên cứu các hóa thạch, địa tầng và sinh học phân tử cho thấy rằng sự
tách rời giữa con người với khỉ đã xảy ra tại châu Phi từ 5 đến 8 triệu năm trước đây.
Các hài cốt hóa thạch của tổ tiên con người cung cấp cho ta các đầu mối giá trị về quá khứ, nhưng những
hóa thạch như thế còn rất ít và thường là không đầy đủ. Nhà nghiên cứu giải phẫu học người Nam Phi
Raymond Dart, đã có một phát hiện đầy ý nghĩa đầu tiên về tổ tiên con người tại châu Phi vào những
năm 1920, khi ông xác định các hóa thạch nổi tiếng là người vượn Nam Phi (Australopithecus
africanus). Những phát hiện hứng thú nhất trong thế kỷ 20 sau đó về tổ tiên con người cổ đại có liên
quan đến công trình của vợ chồng Louis và Mary Leakey và của Donald Johanson. Làm việc chủ yếu tại
các địa điểm thuộc hẻm núi Olduvai và Laetoli tại Tanzania, Mary và Louis Leakey tìm thấy nhiều hóa
thạch hominid (vượn người), trong đó có Australopithecus boisei và Homo habilis. Phát hiện quan trọng