Theo truyền thống, trong tất cả các phẫu thuật do Hoa Đà sáng tạo, chỉ còn một vỏn vẹn một kỹ thuật
được lưu truyền và áp dụng khá rộng rãi đó là thiến. Kỹ thuật này dành cho bọn hoạn quan phục vụ trong
cung đình. Mặc dù có vẻ thô thiển nhưng các mô tả của kỹ thuật này khi được thực hiện năm 1929 cho
thấy đa số người bị thiến đều lành hẳn trong vòng 100 ngày, mặc dù có khoảng 2% tử vong do chảy máu
hoặc nhiễm trùng.
KHỐI CÁC NƯỚC THUỘC VĂN MINH HOA HẠ
Mặc dù các quốc gia lân cận Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng về triết lý y học Trung Quốc, nhưng chiều
hướng trao đổi đôi khi còn mù mờ. Mỗi xứ nằm trong vùng ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc đưa ra các
huyền thoại khác nhau về các truyền thống y học có những điểm chung. Lấy ví dụ, tại Triều Tiên, người
ta cho rằng chính Tan Gun, quốc tổ huyền thoại của nước này, là người sáng tạo ra cách cứu và thạch
châm. Nhiều dược chất được đem từ Triều Tiên vào Trung Quốc trước khi Triều Tiên đưa y học Trung
Quốc sang Nhật Bản. Do vị trí địa lý của Triều Tiên, lịch sử y học tại bán đảo này có liên hệ chặt chẽ với
sự phát triển tại Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác. Trong thời Tam quốc của Triều
Tiên (năm 37 trước CN -935 CN), các học giả đưa hệ thống chữ Hán vào ngôn ngữ xứ này. Năm 372
được coi là thời điểm đạo Phật du nhập vào Triều Tiên, khi một nhà sư đem kinh và tượng Phật vào đây.
Sau khi chấp nhận đạo Phật đến từ Trung Quốc, các nhà sư và học giả Triều Tiên du hành sang Trung
Quốc và Ấn Độ để tìm sự giác ngộ sâu rộng hơn. Đạo Phật đóng vai trò nổi trội trong các mối tương tác
giữa Triều Tiên và Nhật Bản. Các tài liệu lịch sử còn lưu lại cho thấy rằng các vi trùng lây bệnh cũng
như các di vật tôn giáo đã có vai trò trong những giao dịch này.
Các thầy thuốc Triều Tiên chịu nhiều ảnh hưởng của triết lý y khoa Trung Quốc, và họ sử dụng các thuật
ngữ y học Trung Quốc để mô tả bệnh tật, nhưng họ cũng diễn giải các văn bản của Trung Quốc sao cho
phù hợp với các điều kiện địa phương và đồng thời cũng bổ sung thông tin mà họ học được của người
Ấn. Các bàn luận về bệnh tật về mặt học thuật thường đi theo các nguyên tắc của y văn Trung Quốc,
nhưng việc nghiên cứu các phương thang truyền thống của người Triều Tiên đã tạo điều kiện hình thành
một nền tảng học thuật y học độc lập trong đó thừa nhận tầm quan trọng của điều kiện bản địa. Trong
những tài liệu đó có bộ sách Hương Dược Cứu Cấp Phương (Hiang Yak Ku Kup Bang) (1236), bộ toàn
thư y học có tên Hương Dược Tập Thành Phương (Hiang Yak Jip Seong Bang) (1433) và Đông Y Bảo
Giám (Dong ui bo gam) (1610).
Các bài thuốc cấp cứu dân gian chủ yếu đề cập đến việc sử dụng các thuốc bản địa, nhưng cũng mô tả
triệu chứng của nhiều bệnh và các phương pháp điều trị theo y học cổ điển Trung Quốc. Những cấp cứu
y học được nói trong sách gồm có ngộ độc thực phẩm, vết đốt do các côn trùng có độc và vết cắn do
động vật hoang dã, đột quỵ, ác mộng, ngạt nước, té ngã, chứng nghiện rượu, động kinh, ngất, xuất huyết,
chảy máu trong và nhiều thứ nữa. Tài liệu cũng mô tả các triệu chứng của bệnh sốt rét, thứ sốt ba ngày
mà khắp cả vùng ai cũng phải sợ, và cách điều trị bằng các loại thuốc địa phương.
Các tài liệu Trung Quốc cũng cho rằng mối là giao thương trực tiếp hoặc gián tiếp với Ấn Độ, La Mã và
Ả Rập chính là các cơ hội rất sớm làm lây lan bệnh đậu mùa và các bệnh khác. Bộ sách Khuôn mẫu y
học Triều Tiên ghi nhận rằng bệnh đậu mùa được đưa từ vùng Trung Á vào miền bắc Trung Quốc qua
các bộ tộc Hung Nô vào thời điểm nhà Hán thay nhà Chu. Bệnh đậu mùa có lẽ cũng đã được đưa từ
Trung Quốc vào Triều Tiên vào cuối thế kỷ thứ 6 và sau đó được truyền từ Triều Tiên sang Nhật Bản.