thương hoặc tử vong do chảy máu thứ phát có lẽ ít khi xảy ra, bởi vì người bị thương ít khi cầm cự được
cho đến khi các biến chứng trên có thì giờ xảy ra. Tỷ lệ tử vong đối với thương binh vào khoảng 80%.
Trong trường ca Iliad, thường thì việc điều trị không mang tính ma thuật, nhưng khi y học thất bại thì
thầy thuốc lại nhờ đến bùa chú và cầu nguyện. Đôi khi, thầy thuốc kê miệng hút vào vết thương, có lẽ
nhằm hút ra chất độc hoặc “uế khí” gì đó trong máu. Sau khi rửa vết thương bằng nước ấm, thầy thuốc
áp những thứ thuốc làm bớt đau và để cho bệnh nhân khuây khỏa hoặc bớt chú ý, người ta cho bệnh nhân
uống rượu, hoặc kể chuyện hoặc hát cho họ nghe. Không giống với những thứ thuốc đắp vết thương
phức tạp của người Ai Cập và người Ấn Độ, các thứ thuốc chữa vết thương của người Hy Lạp khá đơn
giản, đi từ cây cỏ. Điều không may cho các chiến binh Hy Lạp là thầy thuốc của họ không nắm được bí
mật của phương thuốc Ai Cập nổi danh của nàng Helen, đó là nepenthe, vốn có tác dụng làm giảm đau,
làm cho người bệnh không còn nhớ gì đến bệnh tật và đau buồn. Thật ra, những thứ thuốc mà Homer
nhắc đến đều không có lai lịch rõ ràng mặc dù có nhiều nguồn thông tin cho biết đó là những thứ làm dịu
vết thương, các liều thuốc nước bí mật, các thứ hơi xông vốn được các thầy thuốc và tu sĩ thời đó dùng
đến đó là nước ấm, rượu nho, dầu, mật ong, sulfur, nghệ và thuốc phiện.
Y học Tây phương hiện đại cho rằng nguồn gốc của truyền thống khoa học, duy lý của nền y học này có
liên quan đến Hippocrates, nhưng các thầy thuốc thế tục của Hy Lạp cổ điển lại truy nguyên môn nghệ
thuật này đến Asclepius, tức là vị thần trông coi về việc chữa bệnh. Asclepius, là con của thần Apollo,
xuất hiện trong trường ca Iliad dưới hình dạng của một chiến binh anh dũng và “người thầy thuốc không
chỗ nào chê được”. Theo Homer, thì chính Chiron, một quái vật đầu người mình ngựa, thông minh, cao
quý, đã dạy cho Ascepius các bí mật của những thứ thuốc làm dịu cơn đau và cầm máu. Những người
con trai của Asclepius đều là các chiến binh và thầy thuốc; họ có tài đoán trước là nghệ thuật chữa bệnh
trong tương lai sẽ được tách ra làm hai ngành là nội khoa và ngoại khoa. Bàn tay khéo léo của Machaon
có thể chữa lành mọi vết thương, nhưng chính Podalirius mới là người hiểu được các bệnh bí hiểm và
cách chữa trị. Khi Machaon bị thương, vết thương chỉ được rửa sạch đơn giản rồi rắc lên đó bột nạo phó
mát dê và bột lúa mạch. Các phương pháp mà Machaon dùng để chữa cho người anh hùng Menelaus có
phần phức tạp hơn một chút. Sau khi rút mũi tên cắm phập vào thắt lưng của người anh hùng, Machaon
dùng miệng hút máu ra và rắc lên vết thương những món thuốc làm dịu mà Chiron đã trao cho Asclepius.
Các phương pháp điều trị theo ma thuật và thầy mo một thời thịnh hành tại Hy Lạp đã lưu lại các dấu vết
trong huyền thoại, thi ca và nghi thức chẳng hạn như lễ hội hàng năm được tổ chức để vinh danh
Melampus, người sáng lập một trường phái các nhà tiên tri đã thu nhận kiến thức về khoa bói toán từ Ai
Cập. Kết hợp các yếu tố thanh lọc và “tâm lý trị liệu “cùng với các thứ thuốc xổ mạnh, Melampus có khả
năng chữa được các rối loạn từ bất lực đến mất trí. Melampus cũng được cho là người đã dạy Orpheus
cách dùng thuốc chữa bệnh.
Câu chuyện về Orpheus đã kết nối các yếu tố của thuật lên đồng (shamanism) của một thầy thuốc đi vào
cõi địa ngục để tìm linh hồn một người chết, và sự phân thân cũng như sự nhập xác của một thầy mo.
Là con của Calliope thần thi ca, Orpheus có tài chữa bệnh cũng như tài năng âm nhạc siêu phàm. Khi
Eurydice người vợ thân yêu chết, Orpheus xuống cõi U minh, tại đây Orpheus đã mê hoặc các vị thần
dưới địa ngục cho phép được mang linh hồn của người vợ trở về. Do không tuân thủ hết các điều kiện
liên quan đến sự giải thoát người vợ cho nên sứ mạng của Orpheus thất bại. Không theo đúng những lời
chỉ dạy rõ ràng của các vị thần, Orpheus đã quay đầu nhìn Eurydice trước khi nàng hoàn tất cuộc hành