trình từ cõi U minh về thế giới người sống. Chàng Orpheus quẫn trí mới nhận ra là mình lại đánh mất
nàng Eurydice. Cuối cùng, Orpheus kém may mắn bị đám đệ tử mê rượu của thần rượu Dionysus xé tan
thành nhiều mảnh. Trung thành với âm nhạc cho tới cùng, hồn của Opheus vẫn tiếp tục ca hát khi chiếc
đầu trôi dạt đến đảo Lesbos.
TRIẾT HỌC VÀ Y HỌC
Các phương thức lên đồng chữa bệnh (shamanistic), tôn giáo và thực nghiệm trong việc chữa bệnh
dường như là các tính cách phổ quát của lịch sử y học. Cái mà nền y học Hy Lạp có vẻ độc đáo nằm
trong sự hình thành một hệ thống lý thuyết y học gắn kết với triết học tự nhiên, tức là, một truyền thống
thế tục mạnh mẽ cho phép được tự do chất vấn, hoặc cái mà ngày nay ta gọi là khoa học. Các học giả cho
rằng sự khác biệt cơ bản giữa tư tưởng Hy Lạp và Trung Quốc là tính cạnh tranh của đời sống tri thức và
chính trị thời Hy Lạp cổ đại. Nếu các nhà tư tưởng Trung Quốc đi tìm sự đồng thuận, thì đồng nghiệp Hy
Lạp lại công khai phê bình thầy giáo, bạn bè và đối thủ. Không giống các nền văn minh trước đó, về cơ
bản xã hội Hy Lạp không xây dựng trên nông nghiệp, và một chính quyền trung ương mạnh hoặc tầng
lớp tăng lữ. Thành bang là đơn vị tổ chức của họ, và vì lẽ Hy Lạp vốn tương đối đông dân so với lượng
đất đai canh tác được, cho nên họ khuyến khích buôn bán, chiếm đất làm thuộc địa và mở mang kỹ nghệ.
Các triết gia về tự nhiên người Hy Lạp thời xa xưa rất chú ý đến thế giới tự nhiên và tìm tòi lời giải đáp
vì sao và như thế nào mà con người và thế giới được tạo dựng và tổ chức như họ thấy. Lúc đầu triết học
về tự nhiên ra đời không phải tại Athens của Socrates, Plato, và Aristotle, mà tại vùng biên đảo biển
Aegean nằm ngoài khơi Tiểu Á. Vào thế kỷ thứ 6 trước CN, các triết gia Hy Lạp thử giải thích sự vận
hành của vũ trụ dưới con mắt các kinh nghiệm hàng ngày và qua cách so sánh với các quy trình thủ công
(craft processes) hơn là sự can thiệp của thần thánh hoặc các tác nhân siêu nhiên. Nhiều triết gia Hy Lạp
thời cổ đại được biết đến ngày nay là qua một vài phần nhỏ các công trình của họ, nhưng thế cũng đủ cho
ta thấy được là các lý thuyết tài tình của họ đóng vai trò các mầm mống để kích thích sự tiến hóa của các
bộ môn vật lý, thiên văn, sinh học và y học phương Tây sau này.
Pythagoras ở Samos (khoảng năm 530 trước CN) được coi là triết gia Hy Lạp đầu tiên chú ý nhiều đến
các chủ đề y học. Mặc dù quan niệm của Pythagoras về một vũ trụ bao gồm những yếu tố đối nghịch hay
nhắc ta nhớ đến triết học âm dương của Trung Quốc, nhưng rõ ràng là cách tiếp cận theo kiểu Pythagoras
mang dáng dấp những truy vấn toán học. Như các con số được xếp thành hai nhóm, “chẵn” và “lẻ”,
thành ra mọi vật đều được phân thành hai cặp đối nghịch. Sự hài hòa, hoặc là sự cân bằng đích thực của
các cặp tính chất, chẳng hạn như nóng và lạnh, ướt và khô, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các vấn
đề về sức khỏe và bệnh tật.
Mặc dù các lý thuyết y học của Alcmaeon xứ Croton (khoảng năm 500 trước CN) có nhiều điểm chung
với các lý thuyết của Pythagoras, nhưng mối liên quan chính xác giữa hai lý thuyết này còn chưa rõ.
Alcmaeon và Pythagoras đều tin rằng những cặp đối nghịch là các nguyên lý ban đầu của sự tồn tại. Sức
khỏe theo Alcmaeon, là sự pha trộn hài hòa của các đặc tính đối nghịch, chẳng hạn như ướt và khô, lạnh
và nóng, đắng và ngọt. Bệnh tật xảy ra khi một thành viên của cặp đôi tăng vượt; khi nóng quá thì gây
nên sốt, lạnh nhiều quá thì gây rét run. Alcmaeon được cho là người đưa ra ý tưởng cho rằng việc mổ xác
động vật sẽ giúp cho ta hiểu thêm về bản chất con người. Mặc dù phần lớn các tác phẩm không còn,