LỊCH SỬ Y HỌC - Trang 87

thiêng và chó thiêng canh gác đền thờ liếm vào người. Những bệnh nhân may mắn cho biết là chính
Asclepius hiện ra trong giấc mơ điều trị của họ. Đôi khi vị thần này biểu họ dùng những món thuốc đơn
giản chẳng hạn như các loại rau cải để chữa bón, nhưng Asclepius cũng chỉ dẫn cho bệnh nhân lấy máu
bôi lên mắt mình hoặc bơi trong các dòng sông buốt giá. Trong một số tình huống, bệnh nhân cảm thấy
khỏe ra hoặc khỏi bệnh là do sự kết hợp giữa việc nghỉ ngơi, không khí trong lành, ăn uống tốt, đầy hy
vọng và sự ám thị gặp tại các đền thờ thần Asclepius. Các nghi thức tôn giáo và sự giải tỏa những căng
thẳng và lo lắng xảy ra sau khi nhận những lời chỉ dạy của các vị thần có thể đã chữa được nhiều chứng
bệnh tâm thể và an ủi cho nhiều bệnh nhân ngay cả khi không có cách chữa trị chuyên biệt.

Phụ nữ không được phép sinh con trong khuôn viên đền thờ, nhưng Asclepius chấp nhận nhiều ca sản
phụ khoa khó, nhất là vấn đề vô sinh. Nhiều phụ nữ hiếm muộn cho biết là họ có thai sau khi đến đền
thờ. Tuy nhiên, như lời khai của Ithmonice, người xin các vị thần xem mình có thể có thể có thai con gái
hay không, thì những người cầu khẩn nên rất thận trọng khi đưa ra yêu cầu. Ám chỉ rằng mọi biến chứng
đều có thể xảy ra, Asclepius hỏi Ithmonice rằng liệu còn muốn điều gì nữa không, nhưng bà này không
nghĩ ra điều gì khác. Sau khi mang bào thai trong bụng 3 năm, Ithmonice lại đến xin thần một ân huệ
khác. Asclepius nhắc Ithmonice biết rằng do bà này chỉ xin có thai và không nói gì đến việc sinh nở,
nhưng thần cũng hào phóng cho bà này một đề nghị mới. Ngay sau khi Ithmonice ra khỏi phạm vi đền
thờ, thì liền sinh ra một đứa con gái.

Căn cứ theo những chứng cứ, các bệnh nhân biết ơn đã ca ngợi vị thần đã chữa các chứng nhức đầu,

liệt chân tay, yếu mệt và chứng mù mắt. Một người nam kêu rằng mình đã nuốt phải giống đỉa và một
người nữ cho rằng trong bụng mình có giun sán đã thú nhận là mình đã được vị thần mổ bụng, lấy ra
giun sán và sau đó đóng vết mổ ở bụng lại. Ngay cả những vấn đề nhỏ nhặt cũng được thần quan tâm.
Một người nam đến đền thờ để xin được giúp đỡ vì bị hàng xóm chế nhạo bị hói đầu. Khi ngủ lại trong
đền thờ, vị thần đã xức thuốc lên đầu người này làm cho tóc mọc lại rậm rạp đen nhánh.

KHOA HỌC VÀ Y HỌC THÀNH ALEXANDRIA

Trong thế giới cổ đại, thành phố Alexandria, đặt theo tên của Alexander Đại đế (356-323 trước CN) ở Ai
Cập, là biểu tượng của sự giàu có và ổn định, là sự kết hợp các truyền thống cổ xưa của Ai Cập với các
yếu tố năng động nhất của nền văn minh Hy Lạp. Bảo tàng và thư viện nằm trong số những kho báu lớn
nhất của thành phố. Các học giả làm việc tại các nơi này dưới sự bảo trợ của nhà cầm quyền Alexandria,
đã tham gia vào một thử nghiệm trí thức chưa hề có tiền lệ. Theo một số phỏng đoán thì thư viện
Alexandria chứa trên 700.000 cuộn sách. Các thủ thư ở đây đã sưu tầm, tịch thu, chép lại và hiệu chỉnh
nhiều bản thảo trong số đó có những tài liệu mà hiện nay được xếp vào tổng tập y học Hippocrates. Khi
thảo luận về tính chân thực của nhiều tác phẩm trong tổng tập Hippocrates, Galen xứ Pergamum cho
rằng nhiều nhà cầm quyền thành phố do quá mong muốn củng cố thư viện cho nên họ đã tịch thu mọi thứ
sách vở nào tìm thấy trên các con tàu khi cập cảng này. Galen cảnh báo rằng đã có nhiều tác phẩm giả
tạo đã được soạn ra để nhằm thỏa mãn tính say mê sưu tập sách của người dân thành Alexandria. Người
ta nói rằng của viện bảo tàng có đầy các cơ sở tráng lệ với các vườn thực vật và vườn thú, giảng đường,
các phòng nghiên cứu và giảng dạy. Để khích lệ việc trao đổi tư tưởng, các học giả dùng cơm chung
trong sảnh lớn của thư viện; thức ăn miễn phí còn lương của các giáo sư được miễn thuế. Rủi thay, hiện
nay không có tài liệu nào còn sót lại và bằng chứng cho biết việc nghiên cứu y học đã từng thực hiện tại
viện bảo tàng cũng mơ hồ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.