Nguyễn Hiến Lê
Liêt Tử và Dương Tử
Chương IV
TƯ TƯỞNG CỦA DƯƠNG TỬ
Từ Hải chỉ ghi ít hàng về Dương Chu: “Người nước Vệ thời Chiến Quốc,
tên tự là Tử Cư, có người nói là theo học Lão tử, có người nói là sinh sau
Mặc tử, không có sách lưu truyền, chỉ có ít đoạn tản mạn trong các cuốn
Liệt tử, Mạnh tử. Ông chủ trương thuyết vị ngã, dù nhổ một sợi lông mà
làm lợi thiên hạ ông cũng không chịu, trái ngược với thuyết kiêm ái của
Mặc tử”.
Địa vị, ảnh hưởng của Dương Chu rất quan trọng, không ai viết về triết học
sử Trung Hoa thời Tiên Tần mà không nhắc tới ông, khác hẳn Liệt tử
thường bị bỏ quên.
Ngay Mạnh tử, sinh sau Dương Chu khoảng 70 năm, cũng phải buồn rầu
nhận rằng ảnh hưởng của Dương Chu quá mạnh, học thuyết của Dương và
Mặc lan tràn khắp thiên hạ, “thiên hạ không theo Dương thì theo Mặc”
(trong chương Đằng Văn Công hạ). Vậy Khổng, Mặc và Dương đã chia cái
thế chân vạt ở thời đó. Mặc chủ trương kiêm ái, nghĩa là theo Mạnh tử
không biết đạo cha con, còn Dương chủ trương có nhổ một cọng lông mà
làm lợi thiên hạ thì cũng không chịu, nghĩa là không biết đạo vua tôi, nên
ông bất đắc dĩ phải nhận lãnh cái trách nhiệm đả hai nhà đó, kẻ thù của đạo
Khổng, mặc dù ông đâu có ham tranh biện.
Lã thị Xuân Thu bảo: “Dương Chu quí thân mình” (Thiên Bất nhị).
Hàn Phi tử cũng nói về Dương, bảo là “không vì cái lợi lớn của thiên hạ mà
chịu nhổ một sợi lông chân của mình, khinh vật mà trọng đời sống (của
mình) (Thiên Hiển học).