Nguyễn Hiến Lê
Liêt Tử và Dương Tử
Phần I - Giới thiệu
Ngay ở nước ta, cả trong giới tân học, tên Liệt tử cũng khá quen thuộc. Hầu
hết chúng ta đều biết rằng tư tưởng của ông giống tư tưởng Lão, Trang và
tuy chưa đọc cuốn Liệt tử vì chưa ai dịch nhưng ít nhất chúng ta cũng được
biết dăm ba truyện rất lí thú trong cuốn đó thỉnh thoảng được trích dẫn
trong các sách, báo, đặc biệt là trong bộ Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn
Ngọc và Trần Lê Nhân, như truyện Bệnh quên, Mất dê, Người kiếm củi
được con hươu, Lo trời đổ, Ngu Công dọn núi…, những truyện ai cũng
phải nhận là những ngụ ngôn quí nhất của nhân loại.
Ở Trung Hoa, cuốn Liệt tử được tôn xưng là một cuốn kinh: Xung hư chân
kinh, từ năm 742
(năm thứ nhất niên hiệu Thiên Bảo vua Đường Huyền
Tôn), rồi tới đầu thế kỉ XI, đời vua Tống Chân Tôn, lại được thêm hai chữ
“chí đức” nữa, thành: “Xung hư chí đức chân kinh” (Xung hư có nghĩa là
hư không). Như vậy là cuốn đó được đặt ngang hàng với Đạo Đức kinh,
Nam Hoa kinh, hoặc Thi kinh, Thư kinh, và Liệt Ngự Khấu (tức Liệt tử)
cũng được đặc ngang hàng với các triết gia lớn nhất thời Xuân Thu, Chiến
Quốc, như Khổng Khâu, Lão Đam, Trang Chu.
Vậy mà các học giả Trung Hoa gần đây viết về cổ triết của họ, như Hồ
Thích, Phùng Hữu Lan, Vũ Đồng không nhà nào để riêng một chương nói
Liệt tử, trong khi họ phân tích những triết gia khác chúng ta ít nghe tiếng,
chẳng lưu lại một thiên, một chương sách nào cả, như Trần Trọng Tử, Hứa
Hành, Doãn Văn…
Dĩ nhiên các học giả đó không khi nào bỏ sót một cuốn như Xung hư chân
kinh mà không đọc, nhưng đọc rồi, họ chỉ trích vài câu trong Thiên Thuỵ
(về vũ trụ) và dùng trọn mỗi một thiên (Tác phẩm gồm tám thiên) tức thiên
Dương Chu, để viết không phải về Liệt Ngự Khấu, mà viết về Dương Chu,