Nguyễn Hiến Lê
Liêt Tử và Dương Tử
Chương I
NHÂN VẬT LIỆT NGỰ KHẤU
Trước hết về bản thân Liệt tử, có một số học giả còn nghi ngờ. Như Cao Tự
Tôn (thế kỉ XII), trong cuốn Vĩ lược bảo Liệt tử chỉ là nhân vật hoang
đường, không có thực
Đại khái họ đưa ra những lí lẽ như sau:
1. Trong bộ Sử kí, bộ sử đáng tin cậy nhất về thời đại Tiên Tần. Tư Mã
Thiên không chép truyện Liệt tử trong khi chép truyện Thận Đáo, Quan
Doãn…, cả các môn đệ của Khổng Tử nữa. Mà Liệt tử nếu là nhân vật có
thực, tất phải quan trọng hơn mấy nhà kể đó.
Lí lẽ ấy không vững vì Dương Chu và Huệ Thi, hai triết gia có danh tiếng,
chưa ai ngờ rằng không có thực, cũng không được Tư Mã Thiên chép tiểu
sử. Ông không chép có thể vì thiếu tài liệu hoặc cho rằng không có gì đáng
chép.
2. Trong Nam Hoa kinh (cũng gọi là Trang tử), thiên Tiêu dao, Trang tử có
nhắc đến Liệt Ngự Khấu nhưng lại bảo Liệt cưỡi gió mà đi (ngự phong nhi
hành); truyện đó không thể tin được, chỉ đáng là ngụ ngôn thôi, không đủ
để bảo rằng là nhân vật có thực.
Lẽ đó cũng không vững. Bốn chữ “ngự phong nhi hành” có thể chỉ là một
hình ảnh diễn cái ý Liệt tử đã hoà đồng với vạn vật (coi tiết III – Tư tưởng
Liệt tử); cũng có thể trỏ một hiện tượng xuất thần mà một số nhà tu hành
khi trầm tư nhập định thường cảm thấy: xác thân họ vẫn ngồi một chỗ mà
thần thức họ bay lên cao, đi xa rồi lát sau trở về nhập lại vào thể xác.
Nhưng dù cho Trang tử muốn bảo thể xác Liệt tử cưỡi gió mà đi thật, thì