(mỗi bước đều coi như đang ở chốn không người), nghĩa là không những
nhìn đối thủ, mà còn phải để ý toàn cục, hoàn toàn phù hợp với "Tổng
Cương" của "Dịch Tinh Kiếm".
Lạc Chi Dương lĩnh ngộ điểm này, hắn để ý tình thế, căng rộng tầm mắt
ra, coi mộ thất như một bàn cờ, coi đối thủ như quân cờ, tự mình trông rõ
toàn cục, quân cờ đã chết xem như bỏ, không để ý đến những quân vô vị,
chuyên tâm tranh tiên, từ trong những chiêu khoái kiếm mờ ảo của Diệp
Linh Tô, thỉnh thoảng hắn ngẫu nhiên phóng ra một chiêu, hệt như vẽ rồng
mà điểm nhãn, cứ mỗi cú tấn công tưởng chừng đắc thủ từ ba kẻ địch, kiếm
Chân Cương dường như có sắp đặt sẵn rồi, nó cứ nhắm đúng vào chỗ hiểm
yếu của đối thủ, xảo hợp đến nỗi nó làm như đã dàn sẵn mai phục, chờ địch
nhân tự chui vô bẫy.
Ba người đều bị kinh ngạc rất nhiều, họ cứ bị đánh lui ra sau, điều đó ít
nhất cũng giảm bớt áp lực trên Diệp Linh Tô, khoái kiếm của cô nàng càng
thêm thuận lợi, đã hình thành một tấm thuẫn thật lớn che mưa chắn gió cho
Lạc Chi Dương, tạo cho hắn cơ hội tha hồ thung dung mà nghiền ngẫm
kiếm pháp.
Hai người chưa từng liên thủ đối địch, lần đầu tiên song kiếm hợp bích,
hệt như thiên y vô phùng (áo trời liền lạc không kẽ hở), càng đấu họ càng
ăn ý, như cá vào nước, tha hồ tung hoành. Kiếm pháp hai người có phong
cách trái nghịch, nhưng họ có thể lấy dài bổ khuyết cho ngắn, liên miên
như nước sông cuộn chảy, kết hợp âm đương như tạo hoá, những chiêu
thức diệu kỳ cứ nảy sinh bất tận.
Bất tri bất giác, đôi bên đã tranh đấu ngoài năm mươi chiêu, ba người
phe Xung đại sư liên thủ, thế nhưng không thể chế ngự phe hai người bên
kia, khiến trong lòng bọn họ nhuốm đủ mùi vị phức tạp, vừa tức tối, vừa
ngượng ngùng, vừa mê man, vừa kinh ngạc, chẳng hiểu do đâu mà hai cái
đứa thiếu niên nam nữ này cứ từng bước đăng thiên, luyện nên một thần kỹ