nhân được điều trị bằng dòi y tế, ít ra là một số người, còn cảm thấy
lạc quan và ung dung về vết nhiễm trùng đang được chữa lành của
mình đến mức họ đi lại khắp nơi khi mặc chiếc áo phông của Phòng
thí nghiệm Monarch với dòng chữ: “Trên người tôi có dòi!”
Những nhân viên bệnh viện lại không thích thú đến thế. “Rất nhiều
bác sĩ và y tá cảm thấy ghê tởm,” Amstrong kể với tôi. Đại tá Pete
Weina, nguyên giám đốc của Trung tâm Chữa lành Chi thể và Tổn
thương hỗn hợp tại WRAIR, và hiện giờ đang đứng đầu các chương
trình nghiên cứu tại đây, cũng đồng ý như vậy. Khoảng năm 2009,
Weina đã tiếp nhận ca bệnh giống như của William Baer. “Tôi gặp một
bệnh nhân bị ngất trong một con ngõ và lũ ruồi đã bay đến đẻ trứng
vào vết thương của anh ta. Các y tá đều thốt lên, ‘Trời đất, kinh quá,
hãy gạt hết lũ dòi ra khỏi đó đi!’” Nhớ lại những gì ông đã đọc về khả
năng loại bỏ phần hoại tử thần kỳ của ấu trùng nhặng, Weina đã tự chế
ra một loại băng gạc có khả năng giữ cho dòi không bò lung tung và
để chúng vào trong vết thương. Vết thương đã được chữa lành nhưng
Weina cũng không dám tiếp tục cách chữa trị này nữa. “Cả bệnh viện
đã ghê tởm việc tôi đang làm.”
Dù không xem nhẹ thứ mà ông gọi là “yếu tố ghê tởm”, George
Peck coi giá thành điều trị là trở ngại chính. Bạn có thể thắc mắc, làm
gì có chuyện tiền điều trị bằng dòi lại đắt hơn tiền phẫu thuật được?
Loại sinh vật này không hề đắt; một ống dòi của Phòng thí nghiệm
Monarch có giá 150 đô la. Đó là một công việc rất tốn công sức của
các nhân viên y tế - những người được đào tạo để giám sát lũ dòi và
thay băng gạc nhốt dòi. Peck cho tôi xem bát gan thứ hai có chứa
những con dòi vừa nở hai ngày trước. “Cô thấy miếng gan này sùi bọt
và nhớp nháp như nào rồi đấy?” Với số lượng, có thể nói tới một trăm
con dòi, anh giải thích, lớp lưới thoáng khí của băng gạc phủ ngoài sẽ
nhanh chóng trở nên bí bách. Ấu trùng ngạt thở. Các y tá cảm thấy ghê
sợ.