Nhưng Peck chưa bao giờ đề xuất sử dụng dòi ngay từ đầu để loại
bỏ mô chết của vết thương do một vụ nổ gây ra. Đối với các quân
nhân, dòi có thể tham gia vào quá trình chữa trị trong tương lai, chẳng
hạn như có một loại nhiễm trùng dai dẳng - gây ra bởi dòng vi khuẩn
kháng thuốc nào đó, có thể là loại vi khuẩn lạ và khó trị ẩn trong đất
vốn bị ép sâu vào vết thương trên diện rộng. Những ca phức tạp như
vậy xuất hiện thường xuyên đến mức Peck đã được quân đội tài trợ
tiền để nghiên cứu trên chuột biện pháp sử dụng dòi để loại bỏ các mô
chết ở vết thương dính đất nhiễm khuẩn gây ra bởi IED. Quy trình thí
nghiệm cũng đã gặp nhiều thách thức. Quy trình đó đòi hỏi đội của
Peck phải mô phỏng, trên chuột, được các vết thương cần phẫu thuật
thường thấy do dính bom mìn. Để đáp ứng được yêu cầu của ban kiểm
tra vì quyền động vật - và bởi đạo đức bản thân của Peck - không một
khâu nào trong quy trình đó được phép gây đau cho những con chuột
thí nghiệm. Dây thần kinh cảm giác cho phần cơ thể đó phải được
nhận dạng và vô hiệu hóa từ trước.
Quỹ tài trợ cho Peck không còn được cấp tiền nữa, lý do thì khá dễ
đoán. Các bệnh viện hiện đại luôn thiên về các phương pháp công
nghệ cao và hướng tới tương lai. Đối với những người biết rất ít đến
các nghiên cứu về dòi và tỉ lệ thành công của liệu pháp dòi, thì cách
chữa trị này nghe khá mông muội và lỗi thời. Peck nhớ lại lần anh
trình bày một số kết quả sơ bộ đầy hứa hẹn trong một phòng đầy
những đồng nghiệp tham dự và lắng nghe một vị đại tá bất đồng quan
điểm nói về những tiến bộ ông ta đã thấy trong ba mươi năm phục vụ
tại WRAIR. Người đàn ông đó lắc đầu. “Và chúng ta thì đang dùng
dòi cơ đấy.”
Một cuộc khảo sát vào năm 2012 lấy ý kiến những bác sĩ quân y Mỹ
cho thấy quan điểm của viên đại tá đó không phải là của đa số. Trong
khi chỉ có 10% số người trả lời khảo sát đã cho sử dụng liệu pháp dòi
để loại bỏ mô chết thì 85% cảm thấy việc được thực hành liệu pháp
dòi là một phương pháp dự phòng hữu ích. Thái độ dè dặt của họ chủ