Redett và hai bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và chỉnh hình trợ giúp anh
- Damon Cooney và Sami Tuffaha - đều đến từ Đại học John Hopkins
cách đây không xa. Trong vòng mười năm trở lại đây, Trường Y
Hopkins, được Bộ Quốc phòng tài trợ, tạo ra nhiều sự đổi mới trong
lĩnh vực cấy ghép. Các thành viên của kíp phẫu thuật đã thực hiện
thành công ca ghép cả hai bàn tay đầu tiên và ca ghép phần trên khuỷu
tay đầu tiên tại Mỹ hiện đang công tác tại đây. Các bác sĩ cấy ghép tại
Trường Y Hopkins đã hoàn thiện kỹ thuật “hoà tủy xương”, kỹ thuật
làm giảm đáng kể xác suất cơ thể bệnh nhân từ chối phần cơ thể mới
được cấy ghép. Điều này cực kỳ hữu dụng khi cấy ghép các mô phức
hợp. Một khuôn mặt hoặc bàn tay - không giống như gan hoặc thận -
là một tổ hợp của da, cơ và màng nhầy. Còn nếu là cấy ghép dương vật
thì có thêm mô cương nữa. Cơ thể có thể chấp nhận một hoặc hai loại
mô trong khi từ chối loại còn lại. Da hay gặp vấn đề nhất vì chúng là
hàng rào bảo vệ cơ thể; về mặt miễn dịch học, nó luôn ở tình trạng
cảnh báo cao. Để đánh lừa đội ngũ cảnh vệ (hệ miễn dịch) của cơ thể,
bệnh nhân sẽ được truyền tủy xương của người cho - tủy là nơi sản
sinh các tế bào miễn dịch. Tủy của người cho không thay thế tủy của
người bệnh nhưng nó có thể lập trình lại hệ thống miễn dịch ở một
mức nào đó. Hệ miễn dịch của cơ thể có thể nghi ngờ bộ phận mới
được cấy ghép nhưng sẽ không đào thải nó. Mức rủi ro bị từ chối thấp
hơn tức là thuốc cần dùng để ức chế miễn dịch cho bệnh nhân sẽ ít đi,
và với liều dùng thấp hơn, do đó họ phải chịu ít tác dụng phụ hơn và
khỏe mạnh hơn.
Các kỹ thuật mới như “hoà tủy xương” đã làm thay đổi cán cân đạo
đức cho những ca ghép bộ phận cơ thể không nhằm mục đích cứu
mạng sống người bệnh. Lợi ích của việc ghép mặt hay bàn tay - và sắp
tới là dương vật - đã bắt đầu vượt xa các trở ngại. (Chân là bộ phận
hiếm khi được sử dụng để ghép, một phần vì các dây thần kinh cần
mọc lại quá nhiều. Hiện nay, việc lắp chân giả vẫn là lựa chọn tốt
hơn.)