chểnh mảng tồi tệ nhất của y khoa. Trách nhiệm tối hậu là của riêng một
mình ông.
Dornberger toan nói tiếp, nhưng lại thôi. Có điều gì đó không ổn : ông
cảm thấy chóng mặt, thái dương đập mạnh, cảnh vật quan cuồng, ông nhắm
mắt lại một lúc rồi mở ra.
Được rồi, tất cả lại phẳng lặng như cũ, cơn chóng mặt đã qua. Nhưng
nhìn xuống hai bàn tay, ông thấy chúng run run.
Ông cố gắng trấn tĩnh, nhưng vô ích.
Chiếc lồng ấp bảo vệ em bé Alexander đang được đẩy vào. Cùng lúc đó
ông nghe thấy anh sinh viên thực tập nói :
- Bác sĩ Dornberger, ông khoẻ chứ ?
Đầu môi và chót lưỡi của ông trả lời:
- Khỏe.
Ông biết nếu muốn ông vẫn có thể tiếp tục làm việc mà không một ai
biết những gì vừa xảy ra cho ông. Tuy đã muộn màng lắm rồi, nhưng với
tài khéo léo và óc phán đoán, có lẽ ông vẫn cứu được đứa bé và xoa dịu
được lương tâm cùng tâm hồn thanh khiết. Ít ra tới một mức nào đó.
Và rồi cũng trong giây phút ấy, ông nhớ lại tất cả những gì ông đã nói ra
và tin tưởng suốt bao năm qua về những kẻ già nua tham quyền cố vị. Mình
đã từng bô bô nói rằng chừng nào ngày giờ tàn lụi đến, mình sẽ biết và sẽ
rút lui. Mình đã từng tin chắc rằng không bao giờ mình xử lý một ca bệnh
nào với những kỹ năng cá nhân bị hạn chế.
Ông nghĩ đến những điều ấy rồi nhìn xuống đôi bàn tay run run của
mình.
- Không - Ông nói - Có lẽ tôi không được khoẻ - Ông ngừng lại, và biết
rằng đây là lần đầu tiên nỗi xúc động mãnh liệt khiến ông khó kiểm soát
được giọng nói, ông hỏi : - Có ai vui lòng gọi giùm bác sĩ O’Donnell ? Bảo
ông ta tôi không thể tiếp tục được nữa. Tôi muốn ông ta làm giúp ca này.
Chính lúc ấy, trên thực tế cũng như trong tâm hồn, bác sĩ Charles
Dornberger rút lui khỏi y khoa.
*