Trong khi môi trường trung học khuyến khích học sinh tuân thủ,
thì ở đại học, việc nghi vấn những gì mình nghĩ là mình biết là
chuyện thường tình, thậm chí được khuyến khích. Đó là một sự thức
tỉnh. Lần đầu tiên, tôi bắt đầu khám phá và trân trọng những
thói quen và sở thích khác lạ của mình. Tôi đọc những cuốn sách
như On the Road (Trên đường), 1984 và Man’s Search for Meaning
(Đi tìm lẽ sống), mỗi cuốn sách đều khuyến khích người đọc thể
hiện cái tôi riêng và khám phá mục đích sống của riêng mình. Âm
nhạc mà tôi nghe thay đổi từ các nghệ sĩ pop hiện đại sang các nghệ sĩ
mà lời bài hát cũng mạnh mẽ như thứ nhạc cụ họ sử dụng, như Bob
Dylan, Richie Havens và Van Morrison. Lời bài hát của họ đã trở
thành Thánh kinh của tôi. Tôi bắt đầu thấy rằng thành công
trong cuộc đời không phải là đáp ứng kỳ vọng của người khác, mà là
đạt đến sự viên mãn của bản thân. Tuổi đôi mươi là thời gian để vừa
đón nhận vừa đấu tranh tìm đường trở thành con người mà ta
muốn trở thành. Thông qua những cuốn sách tôi đọc, thứ âm nhạc
tôi lắng nghe và những cuộc trò chuyện thâu đêm với bạn bè quen
thân và cả những người xa lạ, tôi bắt đầu vun đắp cho mình một
căn tính tách biệt khỏi những ý thích bất chợt và kỳ vọng của người
khác.
Việc bản thân trải qua quá nhiều thay đổi khiến tôi nghĩ đến
chuyện năm sau đó sẽ đi ngao du các nước khác một thời gian. Tôi
xem xét các địa điểm khác nhau ở Ấn Độ cũng như Nam Phi và
Đông Nam Á. Cuối cùng, cha tôi đưa ra gợi ý: “Con nên xem qua
chương trình Học kỳ trên biển (Semester at Sea
[SAS]) xem sao.
Một bệnh nhân của cha mới từ đó trở về và say sưa không dứt về
nó!”
Lúc đầu tôi bán tín bán nghi nhưng càng tìm hiểu về chương
trình tôi càng ấn tượng trước cơ hội được đi du lịch đến 10 quốc