Thông thường, nhà cửa tại nơi này đa phần là ngói xanh tường trắng,
hoặc ngói xanh tường đỏ, còn ngôi nhà này lại ngói vàng tường vàng trông
vô cùng khác lạ, gần như hòa lẫn với màu vách núi. Do núi đổ bóng trùm,
lại thêm hai rừng cây bao bọc xung quanh và mây chục gốc đào che chắn
phía trước, ngôi nhà gần như bị che khuất hoàn toàn. Nếu không tới gần, rất
khó phát hiện ra sự tồn tại của nó.
Về tối, sẽ thấy ánh đèn leo lét hắt ra suốt đêm từ các ô cửa sổ. Nhưng
những người trồng đào nơi đây phát hiện ra rằng, trong đêm tối, nếu đi về
phía ánh đèn, có đi cách nào cũng không thể lại gần ngôi nhà, mà sẽ chỉ
loanh quanh trong rừng đào hoặc ruộng vườn gần đó. Bởi vậy, họ gọi ngôi
nhà này là “nhà quỷ chướng”.
Đêm nay, sắc trời càng thêm đen quánh, sương rơi âm thầm, tuy không
có gió, song vẫn lạnh buốt dị thường. Đã quá canh hai, ông Lỗ Thịnh
Nghĩa, chủ nhân của ngôi nhà, vẫn ngồi trong thư phòng của viện thứ hai,
chăm chú xem một bức thư họa chưa bồi đã ố vàng dưới u ánh đèn dầu hỏa.
Lổ Thịnh Nghĩa đã xấp xỉ lục tuần, song cơ thể vẫn tráng kiện, sắc mặt
hồng hào, đôi mắt sáng rực, cánh tay lực lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn, trông
không có vẻ gì giống một người chơi thư họa.
Tiếng khoen cửa đột ngột vang lên, Lỗ Thịnh Nghĩa lập tức lật ngược
bức tranh lại, ngẩng đầu nhìn lên, thì ra là quản gia Lỗ Ân đang bưng đến
một chiếc ấm tử sa cổ có vẽ hoa văn mây núi.
- Nghỉ thôi lão gia. Thứ này không thể hiểu trong ngày một ngày hai
được đâu! Nếu không, đã bị lấy mất lâu rồi, làm sao còn đến lượt nhà
chúng ta?
- Đúng vậy, thế nhưng ta vẫn không thể dẹp sang một bên được! – Lỗ
Thịnh Nghĩa ngẩng đầu nhìn bức hoành phi viết bốn chữ “Tàng bảo bố
thụy”* treo trong thư phòng, khẽ thở dài rồi nói tiếp – Thiên cơ khôn tỏ, di
mệnh khó trái, bước đường tiếp theo là hoạ hay phúc thật khó đoán định.
Hay là ngày mai ngươi và ông Lục cùng tới xem thử, không chừng có thể
tìm ra manh mối nào chảng?