Ông Lục là người rất thích động não. Ông đã phát hiện ra rằng kiểu
khảm diện vây hai mặt trước sau hay phải trái có thể dùng “điểm đối xứng
sáu phần” để kẻ đường thẳng nối liền, tìm ra được “cương diện”(*) ở hai
bên khảm diện. Còn kiểu khảm diện vây bốn xung quanh lại khác, trước
tiên cần tìm ra điểm đối xứng, sau đó nối liền chúng lại. Trên đường nối
liền mới tạo đó, lại tiếp tục tìm ra điểm đối xứng, cho đến khi vẽ ra được
thu nhỏ có phương hướng và góc độ về cơ bản giống hệt so với khảm diện
ban đầu, đó chính là “cương diện” của khảm diện bốn mặt. Nguyên lý về
cương diện của khảm diện bốn mặt được ông Lục ngộ ra được từ đặc trưng
kết cấu của mái điện không xà ngang, khoảng hở hình lục giác dùng để
chịu lực lưu lại trên nóc điện cũng chính là cương diện.
(*) Trong kiểu khảm diện mặt phẳng, do yêu cầu chịu lực nên có một bộ
phận rất nhỏ không hoạt động, gọi là “cương diện”, có nghĩa là mặt cứng,
mặt bất động.
Cương diện trong khảm đáng sợ nhất là “hư”. Lấy ví dụ như cấu trúc “tứ
thủy quy nhất” ở đây, rìa ngoài của khảm diện không phải là những mái
hiên dài đang đua ra trên kia, mà là cái bóng của chúng in trên mặt đất.
Những cái bóng này sẽ liên tục di chuyển và biến hóa theo góc độ của tia
sáng mặt trời trong suốt một ngày, bởi vậy, cương diện cũng theo đó mà
biến hóa liên tục. Nếu là ban đêm không trăng, không thể tìm ra được
cương diện, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều. Loại khảm diện hư hình
này mới được đối phương sáng tạo ra trong mấy thế hệ gần đây. Vì vậy,
người nhà họ Lỗ mới lựa chọn thời điểm hành động vào buổi chiều.
Ông Lục không tiếp tục khạc đờm nữa, vì ông không cần thiết phải nhổ
thêm. Từ mấy điểm này, ông đã có thể nhìn ra được cương diện cuối cùng.
Ông cũng không thể tiếp tục khạc nữa, vì ông cảm thấy cổ họng đã nghẹn
cứng lại, cảm giác có đờm mà nhổ không ra. Hơn nữa, trong đờm có lẫn vệt
máu khiến ông rất kinh ngạc, vì ông không hề nội thương. Vậy vết máu
trong đờm là ở đâu ra?