Chương 6.1 NGỰ LONG CÁCH
Ông Lục dụi dụi đôi mắt nhòe nhoẹt. Lúc nãy ông cũng đã mấy lần dụi
mắt, máu khô và khói đen bám vào mắt ông đã được lau sạch, nhưng lúc
này, ông vẫn cảm thấy ánh mắt mơ hồ, nhãn lực không thể tập trung. Cũng
khó trách ông, một người tuổi tác đã cao, lại chưa bao giờ động đến quyền
cước, vừa trải qua một phen đấu đá quyết liệt, máu đổ hồn kinh, cả về thể
chất lẫn tinh thần đều khó mà chịu đựng nổi.
Sau khi mắt đã hơi rõ trở lại, ông ngẩng đầu quan sát kỹ xung quanh.
Mặc dù khi nãy ông đã chạy qua nơi này, nhưng vì mải đuổi theo bóng
người áo xanh, nên chưa kịp quan sát kỹ lưỡng. Bây giờ nhìn kỹ lại, ông
mới có thể khẳng định phán đoán của mình là đúng. Ông bèn cầm thẻ tre
chỉ về đầu bên kia của con đường nhỏ, rồi viết lên đất ba chữ “đường Bàn
long”(*).
(*) Tức là con đường rồng cuộn.
Lỗ Thiên Liễu là người hiểu rõ nhất học vấn của ông Lục. Nếu nói công
phu Tịch trần của Lỗ Thiên Liễu là học vấn gia truyền, thì ông Lục có thể
coi là sư phụ đúng nghĩa của cô. Lúc nãy khi vừa nhìn thấy ba chữ “Ngự
long cách”(*), cô còn có chút nghi hoặc, ngờ rằng ông Lục đã nhìn nhầm.
Vì cha đã từng kể với cô về thân phận và lai lịch của đối phương, những
người có thân thế như vậy chắc chắn không thể bày ra bố cục Ngự long.
Nhưng khi ông Lục viết thêm ba chữ “đường Bàn long”, chí ít cô cũng
khẳng định đầu óc ông Lục vẫn còn sáng suốt. Một người cả đời nghiên
cứu phong thủy như ông Lục chắc chắn sẽ không thể mắc hai sai lầm liên
tiếp về mặt bố cục phong thủy. Còn nếu đối phương muốn làm loạn cục
tướng để bố trí khảm ngầm, hẳn cũng không thể sử dụng liên tiếp hai lần
trong Ngự long cách. Huống hồ với thân thế và lai lịch của đối phương,
đáng lẽ họ phải kiêng kỵ bố cục “Bàn long làm đường giẫm dưới chân”
mới đúng.