Như ý tam phân nhẫn có một độc chiêu, đó là trong lúc xoay mình tấn
công, có thể đột ngột tách rời mũi đao hoặc chuôi đao, từ đó thay đổi
hướng chém, khiến đối phương không kịp trở tay.
Quan Ngũ Lang là người chất phác. Nếu đao pháp biến hóa quá nhiều,
anh sẽ học không nổi, vì vậy Lỗ Ân và Lỗ Thịnh Nghĩa đã phải bỏ ra rất
nhiều công sức vào thiết kế cây đao, lại nhờ người thợ rèn nổi tiếng từ
Quan Ngoại(*) là Nhậm Hỏa Cuồng dày công tôi luyện, nhằm mục đích lấy
đao bù khéo, để bù đắp cho những điểm yếu về chiêu thức võ công của Ngũ
Lang. Ai có thể ngờ một người thô vụng thật thà như Quan Ngũ Lang trong
lúc giao chiến lại có thể ngầm sử hiểm chiêu. Bởi vậy, chiêu thức khiến đối
phương không ngờ tới mới chính là chiêu thức hiệu quả nhất.
(*) Tức là ngoài biên ải, thường dùng để chỉ khu vực phía đông Sơn Hải
Quan hoặc phía tây Gia Dụ Quan của Trung Quốc.
Quan Ngũ Lang thấy phần lưỡi đao quá rộng, không thể lách qua mắt
lưới. Vì vậy anh mới khom lưng, gắng thò chuôi đao ra ngoài. Sau đó, bấm
mở cơ quan, chuôi đao liền tách ra một đoạn côn sắt dài chừng hơn một
thước được nối liền bởi sợi xích sắt. Quan Ngũ Lang bèn xoay chuyển thân
mình, xoay tít khúc côn sắt. Côn hình vừa kịp thi triển, cả giàn phi mâu mỏ
phượng đã ào ào lao xuống như mưa rào.
Phi mâu tới tấp va vào màn côn sắt, văng ra tứ phía, đan xéo vào những
dãy phi mâu đang lao thẳng xuống ở xung quanh, nháo nhào thành một
đám. Chỉ thấy phi mâu, gỗ vụn, gạch vỡ bay mù mịt. Thế nhưng vòng tròn
từ khúc côn vẫn không đủ lớn, đã có hai ngọn phi mâu lọt qua đâm trúng
vào sau mông của Ngũ lang.
Chín mươi chín ngọn phi mâu mỏ phượng đã phóng hết, nằm la liệt kín
cả sảnh đường. Thông thường những loại nút sát thương bố trí dày đặc như
thế này đều là nút tịnh(*), không dùng nút đục(**). Bởi vì khi trúng phải
nút này, nếu là cao nhân sẽ lập tức giải được nút, cạm bẫy không thể giữ
chân họ; còn nếu như đã bị nút này trói chặt, chắc chắn khó mà có được cơ