kéo dài ra, danh hiệu đội lê dương danh dự và những tấm huy hiệu quân
nhân nở rộ trên ngực các chiến binh của tôi. Cá nhân tôi, được nhận chiếc
huân chương thập tự chiến tranh thứ hai mươi... Lần tuyên dương nhỏ nhoi
đầu tiên nhận được ở Alsace, nhoà đi cùng với quãng đời non trẻ của tôi.
Chúng tôi ở lại cái căn cứ Séno này tới tận ngày 20 tháng hai: thể thao,
xạ kích, hành quân xung kích, việc huấn luyện không bao giờ ngừng. Quân
Việt, chúng tôi biết như vậy, giờ đây đã dứt khoát rút lui. Trong một trận
bóng chuyền, tôi bị rách một đoạn cơ bắp nhỏ ở bên chân phải. Đau đớn cả
về thể xác và tâm lý... Trong những đại đội dã chiến này, phải làm chủ hoàn
toàn các bộ phận phương tiện của mình. Tuy vậy tôi vẫn tiếp tục hoạt động
thể dục thể thao hằng ngày, với kết quả là một cẳng chân phải sưng vù lên
vào lúc chiều tối.
Đã từ lâu, tôi quyết định tiến lên một bước... Một bước nữa... Vượt quá
cái khả thi, vượt quá cái tối đa. Cái trạng thái tinh thần ấy đã cho phép tôi
đến tận lúc này đứng vững được bất chấp sốt rét, kiết lỵ và những tai nạn
khác. Đứng ở mũi nhọn từ nhiều năm nay, tôi đã không có một ngày nào
dừng lại, ngoại trừ kỳ nghỉ phép bắt buộc ở vịnh Hạ Long, lúc mà tôi bị
cách chức chỉ huy trưởng tiểu đoàn Thái số 3.
14 tháng hai 1954. Tôi đã ba mươi tám tuổi. 5 giờ sáng, tôi thức giấc vì
những tiếng động kinh khủng: tiếng nổ của đạn súng cối, nhiều loạt đạn của
hàng chục loại vũ khí tự động, những quả lựu đạn nổ ùng oàng. Tôi nhẩy
vội ra hét lo: “Báo động!”. Vừa lúc toàn bộ êkíp của tôi, các sĩ quan và đại
biểu của các hạ sĩ quan, tươi cười bước vào trong lều:
- Bruno, xin chúc mừng sinh nhật. Do vì không có hoa, chúng tôi tặng
anh những gì mà chúng tôi có thể!
- Lũ khốn kiếp, các cậu làm cho mình hoảng hồn.