"Hai mép vết thương tù, quanh mép vết thương có đường nứt toác dọc
theo chiều da, trong vết thương có thể nhìn thấy cầu nối tổ chức (1)." Tôi
cầm lấy kẹp cầm máu, vừa kiểm tra miệng vết thương, vừa nói rõ tình hình
khám nghiệm để bác sĩ Quản ghi lại. "Đáy vết thương đã chạm tới mảng
xương sọ vỡ, có thể khẳng định là gãy xương theo kiểu vỡ vụn xương sọ."
(1) Cầu nối tổ chức (tissue bridge): Khi vật tày đập mạnh lên cơ thể
người sẽ khiến cho da và tổ chức mềm bị xé rách. Do là bị xé rách chứ
không phải bị cứa đứt bởi vật sắc nhọn nên bên trong vết thương vẫn còn
những sợi tổ chức (mô liên kết, mạch máu và thần kinh chưa hoàn toàn đứt
rời) nối liền với nhau, gọi là cấu nối tổ chức. Đây là một trong những căn
cứ để xác nhận vết thương do vật tày gây ra.
Tôi dùng cồn lau chùi cẩn thận xung quanh vết thương, nói: "Đây là
vết thương giập rách điển hình do hung khí tày tấn công vào đầu gây rách
da hình thành nên. Mọi người xem, da ở xung quanh vết thương bị trầy
xước, tại sao lại như vậy?"
"Bề mặt của hung khí thô ráp, mặt tiếp xúc lớn hơn vết thương." Kiến
thức lý thuyết của Đại Bảo rất vững.
"Vậy sẽ là vật gì?" Tôi chống hai tay lên thành bàn giải phẫu, vận
động phần cổ đã bắt đầu cứng đờ. "Liệu có phải là gậy gỗ lớn?"
Thấy chúng tôi vẫn lề mề chưa chịu động dao giải phẫu phần đầu thi
thể, bác sĩ Quản tỏ ra sốt ruột: "Chuyện đó đâu có gì quan trọng, chúng ta
biết được hình thù đại khái của hung khí gây thương tích là được rồi.
Nhanh lên nào, tôi không còn trẻ được như các anh, cái lưng già của tôi đã
mỏi nhừ rồi đây này."
Ba người chúng tôi đều đang đứng trước bàn giải phẫu, ngoài bác sĩ
Quản, không còn ai để ghi chép nữa, thế là tôi cũng không muốn nói gì
thêm, cúi xuống, bắt đầu rạch mở da đầu của nạn nhân.