18. Phải học cách lắng nghe, đừng
bỏ ngoài tai những điều nghe được
“Đôi khi, cuộc đời đặt tờ giấy bạc một trăm đô lên mặt tủ, nhưng mãi đến
sau này khi bị nó chơi thì mày mới nhận ra.”
Như tôi đã nói trong phần giới thiệu cuốn sách này, vì chia tay với bạn gái
mà tôi quay trở lại nhà bố mẹ ở tuổi hai mươi tám. Vụ chia tay này không có
gì quá kịch tính theo kiểu chúng tôi réo chửi tên nhau, sau đó tôi ra đi với
cánh cửa đóng sầm lại sau lưng cùng câu “Cút đi!” Trước đó, tôi đã có vài
lần tan vỡ, trong đó có lần cô bạn gái tôi nói, “Cút mẹ anh đi, đồ ngu đần
khốn kiếp.” Điều đó rất dễ vượt qua; bạn sẽ không thức đêm để hy vọng cô
gái gọi bạn là đồ ngu đần khốn kiếp quay lại. Trên thực tế, các mối quan hệ
trước đây của tôi chẳng bao giờ nghiêm túc đến mức đó. Nhưng tôi đã yêu
cô gái này ba năm, và tôi chắc chắn rằng chúng tôi hợp nhau và đã nghĩ đến
chuyện cưới nhau.
Khi cô ấy quyết định dừng lại, chuyện chẳng có nguyên nhân nào cụ thể cả.
Trước đây đã từng có một lý do nhưng giờ đây thì không còn nữa, và chẳng
đứa nào mường tượng được nó là cái gì. Vì một lý do nào đó, mối quan hệ
của chúng tôi không tiến triển được. Vì vậy, khi tôi chuyển về nhà bố mẹ ở,
tôi thực sự suy sụp. Bình thường tôi không thể hiện cảm xúc ra ngoài, nhưng
bố biết tôi đang buồn.
“Đôi khi, cuộc đời đặt tờ giấy bạc một trăm đô lên mặt tủ, nhưng mãi đến
sau này khi bị nó chơi thì mày mới nhận ra,” ông vừa nói vừa đặt tay lên vai
tôi lúc tôi đang ăn sáng, sau khi về nhà được chừng một tuần.
“Không sao đâu ạ. Bố không cần phải cố gắng làm con vui đâu,” tôi đáp.
“Vớ vẩn, bố biết chứ,” ông nói. “Nhưng bố nghĩ là bố phải nói điều gì đấy.
Nếu không, chỉ cầm mỗi chỗ ngũ cốc ở chỗ con rồi đi thì có vẻ như hơi nhẫn
tâm.” Ông khẽ cười, hy vọng nhen nhóm chút niềm vui.
Ngày hôm sau, tôi tỉnh dậy vào lúc sáu giờ rưỡi sáng. Không thể nào ngủ
tiếp, tôi loạng choạng bước vào phòng khách với chiếc quần đùi đấm bốc.
Bố tôi đang ngồi bên bàn, ăn ngũ cốc và đọc báo.
“Bố dậy từ bao giờ thế?” tôi hỏi.